Văn hoá Flex ở Hàn: Sẵn sàng nhịn ăn để mua hàng hiệu cao cấp?
Văn hoá Flex là gì? Tại sao giới trẻ Hàn lại cuồng hàng hiệu đến vậy?
Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!
Nếu bạn đến Hàn Quốc, bạn sẽ thấy rất nhiều bạn trẻ mang trên mình những chiếc áo hàng hiệu hay cầm trên tay những chiếc túi đắt tiền. Trên các trang mạng xã hội Hàn Quốc cũng không thiếu những hình ảnh “khoe khang” về những sản phẩm xa xỉ như vậy. Có thể nói người Hàn rất cuồng hàng hiệu vậy lý do nào đằng sau sự “ám ảnh” hàng hiệu đó?
Văn hoá Flex ở Hàn: Khoe khoang và chuộng đồ hiệu?
"Flex" là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ Hàn Quốc, chỉ hành vi khoe khoang cuộc sống xa hoa của mình bằng quần áo, xe hơi hoặc nhà đắt tiền để thoả mãn bản thân. Đây đã trở thành một xu hướng dạo gần đây ở Hàn Quốc.
Hầu hết bài đăng được gắn thẻ "Flex" trên mạng xã hội đều dùng để khoe rằng họ đã mua các sản phẩm xa xỉ và các mặt hàng giới hạn. Video và hình ảnh những người khoe sản phẩm thời trang và làm đẹp của các thương hiệu cao cấp được hàng nghìn lượt thích.
Theo một báo cáo được công bố bởi Lotte Members, người Hàn ở độ tuổi 20 đã mua khoảng 44,000 món đồ xa xỉ trong quý II năm 2018, tăng 7,3 lần so với 6,000 các giao dịch cùng kỳ năm 2017. Lotte Members cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát khác trên 3,322 người mua hàng cao cấp trong sáu tháng qua và thấy rằng 23,4% số người được hỏi ở độ tuổi 20 là sinh viên, những người không có bất kỳ nguồn thu nhập cố định nào. Khoảng 43% trong số họ là nhân viên văn phòng. Do đó, có thể thấy sự tăng trưởng của thị trường cao cấp phần lớn do những người trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Theo dữ liệu do Cửa hàng bách hóa Shinsegae công bố vào tháng 11/2019, doanh số bán các mặt hàng xa xỉ đã tăng 31,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh số bán các mặt hàng xa xỉ được người tiêu dùng ở độ tuổi 20 mua tăng vọt 84,4% trong cùng kỳ.
Tại sao giới trẻ Hàn lại
theo đuổi văn hoá Flex?
Kim, một sinh viên đại học 23 tuổi, chỉ dám bỏ ra 700 won (14,000 VNĐ) để mua kimbap tam giác thịt nguội và cá ngừ sốt mayonnaise, một món ăn giá rẻ có sẵn ở tất cả các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cho bữa trưa của mình. Anh cũng chia sẻ, đây là bữa trưa quen thuộc mỗi ngày. Tuy nhiên, Kim không ngần ngại dành hơn 1 triệu won (hơn 20 triệu VNĐ) để mua 1 đôi giày thể thao Off-White ở trung tâm mua sắm.
Kim chỉ là một trong số rất nhiều người thuộc thế hệ Millenials ở Hàn Quốc có xu hướng chi tiêu cực đoan như vậy. Những người tiêu dùng trẻ tuổi ở Hàn Quốc thuộc thế hệ MZ ngày nay sẵn sàng nhịn ăn để chi tiêu cho hàng hiệu mặc cho đang sống trong bối cảnh kinh tế không mấy tích cực.
Sự cuồng đồ hiệu của giới trẻ Hàn có thể thấy qua việc cả Louis Vuitton và Chanel đều tăng giá các sản phẩm của họ vào tháng 5 nhưng ở Hàn hầu như không có phàn nàn nào về việc này. Trên thực tế, người Hàn còn đổ xô đến các cửa hàng để mua được sản phẩm mình yêu thích trước khi hãng tăng giá. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra trước các cửa hàng của Dior ở Seoul vào ngày 1/7, khi có thông tin thương hiệu này sẽ tăng giá từ 12-15%. Số lượng khách hàng nhiều hơn bình thường gấp 3-4 lần trước các cửa hàng của Christian Dior ở Seoul mặc dù lúc đó Hàn Quốc vẫn phải vật lộn với Covid-19.
Ông Cavallo, giám đốc Quốc gia của TOD'S ở Hàn Quốc (công ty chuyên về giày và các sản phẩm cao cấp từ do của Ý), mô tả Hàn Quốc là "thị trường trong mơ" và cho biết hàng hiệu là biểu tượng địa vị đối với người Hàn Quốc. “Ấn tượng đầu tiên của tôi về thị trường này thực sự không thể tin được. Mọi người bước ra từ cửa hàng thực sự phấn khích sau khi mua được túi và giày. Người Ý sinh ra đã có những mặt hàng xa xỉ đó, vì vậy họ không mơ có được chúng."
Nhưng người Hàn Quốc có vẻ ai cũng mong muốn được sở hữu 1 vài hoặc nhiều món hàng hiệu. Họ cho rằng hàng hiệu giúp họ nổi bật và có 1 chỗ đứng cao hơn trong xã hội Hàn Quốc vốn đề cao lối sống vật chất. Người Hàn tin rằng dù thế nào cũng phải có ít nhất 1 chiếc áo khoác, 1 chiếc túi, 1 đôi giày hàng hiệu ở nhà để đến những dịp quan trọng còn dùng. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy cứ hai người ở độ tuổi 20 và 30 thì có một người có nhận thức tích cực về xu hướng tiêu dùng “Flex”, một hình thức tiêu dùng mà người mua thích show (khoe khoang) rằng mình đã chi tiền cho các sản phẩm đắt tiền.
Theo một cuộc khảo sát với 3,064 người Hàn ở độ tuổi 20 và 30 do cổng thông tin việc làm trực tuyến Saramin thực hiện, 52,1% cho biết họ nghĩ rằng chi tiêu kiểu Flex là tích cực. Chỉ 1,467 người bày tỏ ý kiến tiêu cực về lối tiêu dùng “Flex” này.
Về lý do tại sao họ thích Flex, 52,6% số người được hỏi cho biết “vì tầm quan trọng của sự hài lòng với bản thân”. Các lý do quan trọng khác bao gồm “vì thời gian để tận hưởng sự sang trọng đắt tiền là có hạn” (43,2%) , “vì Flex có thể làm giảm căng thẳng”(34,8%) và 32,2% cho rằng “vì Flex là để tận hưởng cuộc sống”.
Hơn một nửa số người được hỏi, 54,5%, cho biết họ muốn chi tiêu nhiều hơn cho tiêu dùng Flex trong tương lai và họ chọn “hàng hiệu giá cao”, chiếm 40,8%, là ưu tiên chi tiêu hàng đầu; 36,7% trong số đó hy vọng được “đi du lịch khắp thế giới”; 27% muốn “ăn thức ăn ngon 24,6% mong muốn “mua ô tô”; 23,2% mong muốn có “bất động sản như nhà và đất” và 21,6% sẽ chi tiêu vào “thiết bị điện tử”.
Theo khảo sát, những người được hỏi chi trung bình 8,4 triệu won (168 triệu VNĐ)/ năm để mua hàng xa xỉ. Đối với tần suất mua hàng xa xỉ, 25,6% cho biết mỗi năm một lần và cách để trả tiền cho những mặt hàng đấy chủ yếu dựa vào tiền lương hàng tháng (chiếm 70%).
Khảo sát của Lotte Members cũng cho thấy rằng lối sống lấy bản thân làm trung tâm của người tiêu dùng trẻ đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường đồ cao cấp, với 71,6% số người được khảo sát ở độ tuổi 20 nói rằng họ nghĩ bản thân là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ.
Flex có tác động tiêu cực gì
đến xã hội Hàn Quốc?
Đại diện của Primetime trên tbs eFM, ông Shin đã chia sẻ quan điểm của mình về tác động kinh tế và xã hội của nỗi ám ảnh về hàng xa xỉ của người Hàn Quốc. Sau khi Hàn Quốc hiện đại hóa nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế sau Chiến tranh Triều Tiên, các thành viên của tầng lớp thượng lưu đã tìm cách phân biệt mình với tầng lớp thấp hơn bằng cách mua hàng hóa phương Tây đắt tiền. Qua nhiều thập kỷ, ham muốn hàng xa xỉ này đã góp phần gây ra các vấn đề như bắt nạt trong trường học và áp lực trao đổi hàng chục nghìn đô la quà tặng xa xỉ giữa 2 bên thông gia khi kết hôn. Có thể thấy rất nhiều phụ huynh Hàn Quốc phải cố sắm cho con 1 chiếc cặp đắt tiền hoặc 1 chiếc áo khoác hàng hiệu để khi đi học con không bị bạn bè chê cười, phần biệt đối xử.
Hơn nữa, hiện có rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng hy sinh những nhu cầu cơ bản khác để đầu tư cho hàng hiệu và nhận được sự công nhận cũng như ánh mắt ngưỡng mộ của người khác. Điều này không chỉ tạo ra những áp lực nhất định lên tài chính cũng như những tác động xấu đến nhận thức của giới trẻ về tiêu dùng.
Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, giải thích cơ sở của hiện tượng này là mong muốn thể hiện bản thân và áp lực từ bạn bè. "Đối với thanh thiếu niên, đăng tải video hoặc ảnh chụp những món đồ sang trọng chỉ đơn giản là một cách thể hiện rằng mình vượt trội hơn những người khác bằng cách khoe những sản phẩm đắt tiền mà các bạn cùng lứa tuổi không thể mua được. Những thanh thiếu niên khác bị ảnh hưởng bởi những bài đăng đó trên mạng xã hội và cảm thấy mình cũng phải làm theo để bằng bạn bằng bè.”
Ông cũng cho biết thêm: "Nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ lại bội chi vượt quá ngân sách của mình, điều này có thể dẫn đến thói quen tiêu dùng xấu trong tương lai. Điều quan trọng là phải hướng dẫn họ đưa ra quyết định mua sắm hợp lý thông qua các chiến dịch xã hội hoặc giáo dục ở trường."
Nếu bạn có khả năng tài chính vững vàng, chuyện cuồng đồ hàng hiệu là 1 điều bình thường nhưng nếu bạn không có khả năng tài chính thì việc nghiện hàng hiệu lại là 1 vấn đề và rất nhiều người Hàn đang gặp phải vấn đề đó mà không nhận thức được. 1 chiếc túi đắt tiền không làm bản thân bạn đắt tiền hơn.
Trên đây là thông tin về văn hoá Flex mới nổi ở giới trẻ Hàn Quốc. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện chi một khoản tiền lớn để mua đồ hiệu, liệu người Hàn có dùng đồ hiệu giả? Đọc để biết chi tiết nha!
Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!