logo
logo
DEPRECATED_CloseIcon

Hàng hiệu giả ở Hàn: Người Hàn thực sự không dùng hàng giả?

Vài nét về vấn đề hàng giả ở Hàn sau vụ việc của Song Ji-a trong show Netflix Single's Inferno

HiSunday
3 years ago
Hàng hiệu giả ở Hàn: Người Hàn thực sự không dùng hàng giả? -thumbnail
Hàng hiệu giả ở Hàn: Người Hàn thực sự không dùng hàng giả? -thumbnail

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!

Mới đây vụ việc dùng hàng hiệu giả của hot girl Song Ji-a đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội Hàn. Vậy có thật là ở Hàn không có hàng giả và thái độ của người Hàn với vấn đề dùng hàng giả này như thế nào? Cùng mình tìm hiểu nha!


Nhu cầu hàng hiệu tăng cao ở Hàn trong mùa dịch

서울신문

Hàn Quốc là một đất nước chuộng hàng hiệu, trên đường phố bạn có thể thấy những món đồ hiệu xa xỉ xuất hiện khắp mọi nơi, từ quần áo, túi xách đến giày dép… Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế bị trì trệ, ai cũng đã tưởng rằng thị trường đồ hiệu ở Hàn sẽ trở nên ảm đạm, tuy nhiên, nhu cầu về hàng hiệu hay các mặt hàng xa xỉ đã bùng nổ một cách đáng kinh ngạc.

Theo báo cáo của Ủy ban Chiến lược và Tài chính Quốc hội, số túi xách hàng hiệu trị giá hơn 350 tỷ won (hơn 6,6 nghìn tỷ VNĐ) đã được nhập khẩu vào Hàn Quốc chỉ trong tháng 8/2021. Vào tháng 8/2019, con số này ở mức 177,5 tỷ won. Bạn có thể thấy nhu cầu hàng hiệu ở Hàn tăng một cách đáng kể thế nào.

BLACKPINK Jisoo với túi dior

BLACKPINK Jisoo

Đối tượng mua đồ hiệu ở Hàn cũng đang thay đổi. Nếu trước đây những người trung tuổi với nghề nghiệp ổn định và nguồn thu nhập ở mức khá trở lên thì ngày nay thế hệ MZ lại là những người có nhu cầu mua đồ hiệu đáng kể.

Theo nghiên cứu chung của The Korea Economic Daily và Shinhan Card Big Data Center, nhóm tuổi từ 20 đến 39 đã thực hiện số lượng mua hàng trị giá hơn 1 triệu won (20 triệu VND) cao hơn so với nhóm tuổi từ 40 đến 69 trong thời gian nửa đầu năm 2021. Khách hàng nữ ở độ tuổi 20 và 30 chiếm 29% tổng số giao dịch trên 1 triệu won/ giao dịch, khiến họ trở thành người chi tiêu nhiều nhất. Tiếp theo là khách hàng nữ trong độ tuổi từ 40 đến 69, chiếm 26% tổng số. Điều tương tự cũng được quan sát thấy ở nhóm khách hàng nam.

cửa hàng micheal kors ở hàn quốc

Lý do khiến người trẻ chi nhiều tiền cho đồ hiệu phải kể đến việc đại dịch Covid-19 khiến cho việc du lịch nước ngoài trở nên khó khăn. Thay vì đi du lịch thì họ sẽ sắm cho mình 1 món đồ hàng hiệu để an ủi bản thân.

Thêm vào đó giá nhà quá cao đến mức không thể mua được khiến việc tiết kiệm tiền mua nhà là vô nghĩa. Lãi suất gửi tiết kiệm siêu thấp chỉ khoảng 1-3%/ năm cũng khiến giới trẻ muốn tập trung cho hiện tại hơn là tương lai. Thay vì tiết kiệm tiền mua nhà thì nhiều người chọn tặng mình những chiếc túi hàng hiệu đắt đỏ. Rất nhiều người Hàn Quốc còn mê đắm hàng hiệu.

Tuy nhiên đi cùng sự bùng nổ của thị trường hàng hiệu chính là sự phát triển của hàng giả, hàng nhái.


Thị trường hàng giả bùng nổ ở Hàn

Thị trường hàng giả bùng nổ ở Hàn

Theo báo cáo của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), số lượng sản phẩm giả được bán trực tuyến đã tăng 204,4% từ tháng 1 đến tháng 8, 2020 .

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cũng cho biết đã có 1,866 vụ bắt giữ túi xách hàng hiệu giả được nhập lậu vào Hàn Quốc trong vòng 4 năm qua. Tổng giá trị sẽ lên tới 467,9 tỷ won (khoảng 8,9 nghìn tỷ VNĐ) nếu chúng là hàng thật.

Trong các hãng túi xách bị làm giả và bán nhiều ở thị trường Hàn, phổ biến nhất là Louis Vuitton. Tổng số sản phẩm Louis Vuitton giả bị Cơ quan Hải quan Hàn Quốc thu giữ có trị giá lên tới 148,4 tỷ won (khoảng 2,8 nghìn tỷ VNĐ), giữ vị trí tiếp theo là hàng nhái Chanel trị giá 70,1 tỷ won (khoảng 1,3 nghìn tỷ VNĐ) và hàng nhái Gucci trị giá 29,5 tỷ won (khoảng 561 tỷ VNĐ). Đặc biệt, đối với trường hợp của Louis Vuitton, số lượng túi giả bị bắt đạt mức cao nhất kể từ năm 2017.

Nguồn gốc của các sản phẩm giả phần lớn đến từ Trung Quốc. Sản phẩm giả đến từ Trung Quốc chiếm 97,8%, Hồng Kông chiếm 1,8%, Nhật Bản chiếm 0,1% và các nước khác chiếm 0,3%.

Có người mua thì mới có người bán, do đó, có thể thấy rằng ở Hàn vẫn có rất nhiều người có nhu cầu sử dụng hàng hiệu giả. Khi thế hệ MZ đã quen với việc mua hàng trực tuyến và hiện đang là đối tượng chi tiêu nhiều cho hàng hiệu thì theo đó nhu cầu về hàng giả ở Hàn được dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng, kể cả sau khi lịch lắng xuống.

Leather Monster

Leather Monster

Ngoài ra ở Hàn còn đang nổi lên một trend nữa đó là sửa hàng hiệu cũ thành các món đồ mới. Những chiếc túi hàng hiệu cũ đã hết mốt, trị giá hàng triệu won sẽ được cắt và làm thành túi nhỏ, ví và móc chìa khóa. Theo Leather Monster (레더몬스터), một công ty chuyên sửa đồ hiệu, số lượng đặt hàng trung bình hàng tháng đã tăng gấp 4 đến 5 lần so với năm 2019 (nguồn: JoongAng).

Các món đồ này vẫn sẽ “bị” gọi là hàng giả vì không thể sử dụng dịch vụ A/S ở các cửa hàng chính hãng. Tuy nhiên, Thế hệ MZ đang chấp nhận việc này như một khái niệm nâng cấp sản phẩm. Một phần là vì nó sẽ cho họ một chiếc túi mới làm từ “hàng hiệu" và thêm đó là giá trị về thân thiện với môi trường, tái chế và cá nhân hóa.

Tại sao lại sử dụng hàng giả?

Tại sao lại sử dụng hàng giả? thị trường hàng giả ở hàn

Những bộ quần áo cao cấp, những chiếc túi sang chảnh luôn là niềm ao ước của nhiều người. Ở Hàn Quốc, một đất nước coi trọng vẻ bề ngoài, quần áo, túi xách hay vật ngoài thân cũng có thể trở thành một thứ để đánh giá một người.

Không phải ai cũng vậy nhưng có rất nhiều người sẽ nhìn vào đôi giày bạn đang đi, chiếc ví bạn đang dùng để quyết định thái độ và cách hành xử với bạn. Do đó, để tạo ra một hình ảnh cao cấp, sang chảnh, được người khác ngưỡng mộ thì nhiều người sẽ cố gắng dùng đồ hàng hiệu.

Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện chi hàng triệu won cho một món đồ xa xỉ. Hàng giả nhiều khi được bán với mức giá chỉ bằng 1/10 hàng thật. Điều này khiến họ quyết định chi tiền cho hàng giả thay vì đồ thật. Đặc biệt, với các sản phẩm được làm giả tinh vi, khó có thể phân biệt khi nhìn qua thì càng được yêu thích.

bản tin thị trường hàng giả ở hàn

jtbc

Nếu tìm kiếm hàng giả trên các trang cổng thông tin lớn, bạn có thể dễ dàng thấy các từ khoá gợi ý về “địa chỉ bán hàng giả” và “cách mua được hàng giả cao cấp”. Việc này cho thấy rằng có một lượng lớn tìm kiếm liên quan đến mặt hàng này. Trước đây hàng giả, vốn được buôn bán bí mật ở chợ Namdaemun. Dongdaemun, Itaewon và Myeongdong, hiện nay nhiều nơi đã chuyển sang bán online.

Theo phân tích thì một trong những lý do tạo nên phổ biến của hàng hiệu giả là do cơn sốt tiêu dùng và sự so sánh về "hiệu quả và chi phí". Người tiêu dùng sẽ thích những sản phẩm giá rẻ, đẹp, tốt. Nhưng khi suy thoái kinh tế xảy ra, họ sẽ từ bỏ yêu cầu về mặt hiệu quả và sẵn sàng mua các sản phẩm giá rẻ có logo thương hiệu nổi tiếng hay còn gọi là hàng đẹp mã. Nhiều người cảm thấy hài lòng vì đã mua được hàng hiệu với giá thấp, ngay cả khi nó là hàng giả. Họ sẽ vẫn có được cảm giác như đang được khoác trên mình món đồ cao cấp.


Thái độ của người Hàn đối với việc dùng hàng giả

chợ hàng nhái ở hàn

서울신문

Ở Hàn việc sử dụng hàng giả cũng là vấn đề rất nhạy cảm. Khi ai đó bị phát hiện dùng hàng giả, họ sẽ cảm thấy xấu hổ hay thậm chí là cảm thấy mất mặt. Do đó hiển nhiên là khi dùng hàng giả thì không ai muốn bị phát hiện cả.

Điều thứ 2 bạn có thể thấy là có một số người tuy tỏ thái độ phản đối hàng giả nhưng việc họ có sử dụng hàng giả, mua hàng giả hay không thì lại là một câu chuyện khác.

Đối với người nổi tiếng, việc dùng hàng giả là một điều vô cùng nghiêm trọng.

song ji a mặc hàng nhái trên show netflix

Netflix

Gần đây Song Ji-a, cái tên hot nhất bước ra từ show Single’s Inferno của Netflix, đã bị tố sử dụng hàng giả một cách công khai trên truyền hình. Cô nàng với gương mặt xinh đẹp và thân hình nóng bỏng thường xuyên khoe ảnh đập hộp những thương hiệu cao cấp trên Instagram cá nhân của mình. Cô mang đến hình ảnh của một cô gái trẻ, đẹp và thành công khiến bao người mơ ước.

song ji a mặc hàng nhái

Song Ji-a

Đáng buồn thay, sau đó rất nhiều người đã công khai chỉ trích Song Ji-a vì cô dùng hàng giả. Điều khiến cư dân mạng Hàn Quốc tức giận là vì Song Ji-a dùng hàng giả nhưng lại giả vờ là hàng thật, hay còn gọi là “làm màu", tự tạo nên một hình mẫu tiểu thư sang chảnh khác hẳn với sự thật. Hiện Song Ji-a và công ty quản lý của mình đã đưa ra xin lỗi chính thức và ẩn các bài đăng, video chứa sản phẩm giả.

Tuy nhiên lời xin lỗi của cô vẫn không làm dịu được dư luận. Nhiều người Hàn cho rằng cô đã tạo ra một lời nói dối quá lớn đối với những người lấy cô làm hình mẫu, truyền tải tư tưởng dùng hàng hiệu giả cho giới trẻ, hay nói rộng ra là tư tưởng vật chất, thực dụng.

song ji a mặc hàng giả

Song Ji-a

Nghiêm trọng hơn, Song Ji-a là người trong ngành thời trang và làm đẹp, cô thậm chí còn nói rằng mình muốn xây dựng 1 thương hiệu riêng, do đó, việc sử dụng hàng giả là không tôn trọng các thương hiệu lớn cũng như những người làm việc trong ngành sáng tạo thời trang.

Rời khỏi vụ việc của Song Ji-a thì nói chung việc sử dụng hàng giả ở Hàn là một điều gì đó khá kỳ cục.

Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện rất nhiều biện pháp để ngăn chặn việc buôn bán hàng giả ở Hàn. Tương lai có thể số lượng hàng giả sẽ giảm xuống nhưng việc có dùng hàng giả hay không lại đến từ hành động của mỗi cá nhân. Cuối cùng, đừng để chủ nghĩa vật chất ảnh hưởng đến phong cách và lối sống của bạn!


Điểm cần chú ý để tránh mua phải hàng giả trên mạng

trendbe, mua hàng hiệu online

Dạo gần đây, do việc đồ hiệu bán được online cũng đang trở nên thịnh hành ở Hàn, rất nhiều công ty, doanh nghiệp đang chạy đua để kiếm thị phần ở miếng bánh béo bở này.

Mua hàng online càng khiến cho việc phân biệt đồ thật - giả càng trở nên khó khăn. Chính vì vậy mà các nền tảng bán hàng hiệu trực tuyến như Lotte On, SSG.com Trenbe, REEBONZ, Feelway… cũng đã đưa ra rất nhiều các biện pháp để lấy được lòng tin của khách hàng như có một hệ thống thẩm định chuyên nghiệp, vận chuyển trong két an toàn với CCTV, chính sách đền bù gấp nhiều lần nếu phát hiện hàng giả….

Nếu các bạn đang muốn mua đồ hiệu trên mạng thì hãy chú ý đến các điểm sau:

Đầu tiên là việc sản phẩm được bán với giá rẻ hơn giá niêm yết một cách quá mức. Với trường hợp này thì tỷ lệ đó là đồ giả sẽ rất cao, bạn nên hoài nghi về sản phẩm.

Tiếp theo, bạn nên kiểm tra về công ty, số đăng đăng ký doanh nghiệp, review của người mua trước hoặc xem có bài báo nào nói về công ty đó không. Ngoài ra bạn cũng nên đọc kỹ về chính sách hoàn tiền, hoá đơn, giấy chứng nhận hàng thật.

Cuối cùng là hỏi kĩ xem giá đã bao gồm phí mua hàng, phí ship hàng quốc tế, thuế hải quan hay chưa.

Trên đây là vài nét về thị trường hàng hiệu giả ở Hàn. Nếu bạn muốn xem thêm về độ cuộng hàng hiệu của người Hàn thì không thể bỏ qua văn hoá Flex đâu nha.

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

Instagram: creatrip.vn

Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc