Văn hoá công sở bảo thủ của Hàn và những câu chuyện đáng bàn
Bạn muốn làm việc ở Hàn? Nếu thực sự có ý định ấy thì hãy đọc bài viết này trước đã nhé!
Xin chào các bạn! Chúng mình là Creatrip, cộng đồng các chuyên gia về Hàn Quốc. Chúng mình sẽ luôn cố gắng gửi đến các bạn những tips hữu ích và thông tin tại Hàn Quốc mới nhất mỗi ngày.
Sự phổ biến của K-Drama, K-Pop và K-Beauty đã làm tăng độ quan tâm của người nước ngoài đến với Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều người đến Hàn du lịch, học tập và đặc biệt là làm việc. Tuy nhiên người Hàn Quốc cũng đang phải trải qua những thời điểm rất khó khăn khi tỷ lệ việc làm thấp, nhiều người lao động có xu hướng bỏ việc do sự căng thẳng tạo ra từ văn hóa công sở bảo thủ. Nếu bạn đang tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc trong tương lai thì bạn phải tìm hiểu kĩ về phong cách sống và làm việc ở đây. Nếu chưa đủ hiểu đất nước này thì việc làm việc ở đây sẽ gây ra nhiều khó khăn cho bạn đó. Hôm nay mình sẽ chia sẻ 1 số điểm quan trọng trọng văn hoá công sở ở Hàn cho bạn nhé.
Các ví dụ minh họa trong bài viết không đại diện cho mọi công ty ở Hàn Quốc. Hầu hết các tình huống này có thể gặp phải tại các công ty lớn. Mặc dù các ví dụ được sử dụng trong bài viết là văn hóa làm việc phổ biến ở Hàn Quốc nhưng luôn có những trường hợp ngoại lệ.
Hàn Quốc có văn hoá công sở bảo thủ
Ở Hàn có 1 điều rất vô lý nhưng lại có thật người dưới quyền bắt buộc phải nghe lời cấp trên của họ vô điều kiện. Ngoài ra, phong cách giao tiếp cứng nhắc cũng là 1 nét bảo thủ ở Hàn Quốc. Mặc dù cấp dưới "có thể" lên tiếng và đưa ra ý kiến phản bác đối với sếp nhưng hầu hết họ đều cảm thấy khó mở lời và nếu mở lời mà không được sếp ủng hộ, họ sẽ bị "trù". Ví dụ dưới đây là một tình huống phổ biến mà nhân viên mới thường gặp phải:
Joe, nhân viên mới tại một công ty Hàn Quốc. Sếp anh ấy đã hỏi trong cuộc họp nhóm rằng liệu có vấn đề gì với trong công việc hiện tại không. Joe mỉm cười và trả lời, "Mọi thứ dường như đều tốt thưa ông". Tuy nhiên, ông chủ tiếp tục hỏi anh ta, "Không sao đâu, anh có thể nói với tôi bất cứ điều gì!". Khi Joe nhìn xung quanh, các nhân viên khác có vẻ cũng rất muốn nghe vì vậy Joe bắt đầu chia sẻ suy nghĩ thực sự của mình về công ty. Ngay khi anh chỉ ra những điểm không tốt của công ty, không khí của cuộc họp trở nên không tốt và cuộc họp đã kết thúc. Sau cuộc họp, các tiền bối mắng Joe, "Bạn đừng bao giờ nói như thế khi bạn chỉ là nhân viên mới!". Sau đó Joe không bao giờ bày tỏ suy nghĩ tiêu cực của mình tại nơi làm việc một lần nữa.
Câu chuyện Joe là câu chuyện nổi tiếng trên 1 trang web Hàn Quốc, nhưng thành thật mà nói, đây là tình huống rất phổ biến mà bạn bè mình cũng đã trải qua.
Văn hoá công sở Hàn Quốc giống hệt với văn hoá quân đội?
Nhân viên tại Hàn Quốc nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa doanh nghiệp và quân đội. Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi một trang web tuyển dụng của Hàn Quốc, 7 trong số 10 người lao động trả lời rằng họ có thể tìm thấy sự tương đồng với văn hóa quân đội tại nơi làm việc của họ.
Trong số các lý do tại sao họ lại nghĩ như vậy thì 'Bầu không khí ngột ngạt thậm chí bạn không thể nói lên ý kiến của mình' được xếp hạng số một từ cuộc khảo sát. Lý do thứ hai là 'Khi lịch trình và những quyết định quan trọng bị thay đổi một cách vô lý để phù hợp với lịch trình và ý kiến của người có vị trí cao hơn'. Các lý do khác được chọn là 'Không khí công ty không tôn trọng quyền riêng tư' và 'Hệ thống báo cáo quá cứng nhắc và bảo thủ'.
1 số bạn có thể thắc mắc chính xác văn hóa quân đội là gì mà lại giống với văn hoá công sở. Văn hóa quân đội Hàn Quốc bao gồm trật tự thứ bậc nhất định, nghe theo mệnh lệnh của cấp trên và văn hóa kkondae. Kkondae chỉ một nhóm người có quyền cao hơn, tự đại, bảo thủ và cứng đầu. Gần đây cũng có nhiều doanh nghiệp đang cố thoát khỏi cái bóng của lối văn hoá bảo thủ, đáng sợ này.
Làm thêm giờ và làm việc cuối tuần là điều bắt buộc?
Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc kì vọng là bạn sẽ làm thêm giờ và làm thêm vào cuối tuần. Một trong những người bạn của mình khi mới đi làm ở công ty Hàn Quốc thì được thông báo rằng giờ làm việc là từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều nhưng khi thực sự bắt tay vào làm thì nơi làm việc của cô vẫn yêu cầu phần lớn các nhân viên đến văn phòng trước 8 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối. Lúc đầu, bạn mình thường đến sớm vào lúc 8:30 sáng và tưởng thế là ok rồi nhưng quản lý của cô ấy đã yêu cầu cô ấy đến lúc 8 giờ chỉ vì cô ấy là nhân viên mới.
Rời khỏi văn phòng đúng giờ có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với bất kỳ nhân viên nào khác ở Hàn Quốc. Ngay cả khi bạn đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trước 6 giờ tối thì bạn cũng sẽ không thể về nhà vì người quản lý và sếp của bạn vẫn chưa hoàn thành công việc của họ. Người mới luôn phải đợi các tiền bối về trước mới được đứng lên.
Mình có 1 người bạn làm việc cho 1 trong những công ty lớn nhất Hàn Quốc, anh ấy rời nhà lúc 6 giờ sáng và chỉ trở về nhà lúc nửa đêm. Điều bất công là công ty không trả tiền cho bạn khi bạn làm thêm ngoài giờ hay ngay cả khi bạn đến văn phòng làm việc vào cuối tuần. Nếu bạn đặt câu hỏi về vấn đề này, bộ phận nhân sự sẽ giải thích rằng lương đã bao gồm tiền làm thêm giờ rồi. Điều này nghe có vẻ vô lý!
Các công ty có tư duy coi nhân viên là cỗ máy làm việc. Thêm nữa họ nghĩ rằng có rất nhiều ứng viên sẵn sàng làm việc với họ nên nếu bạn không hài lòng với môi trường làm việc thì bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc.Thực sự, nhân viên mới đều không được trả đúng với công sức mà họ bỏ ra.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong công việc
Phụ nữ Hàn Quốc thường sẽ phải đối mặt với sự phân biệt giới tính dù cho họ làm ở bất kì công ty nào. Theo khảo sát từ trang web tuyển dụng Hàn Quốc, 4 trong số 10 công ty thích tuyển nam hơn nữ do khả năng nghỉ thai sản sau này. Ngoài ra, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuyên bố rằng các tập đoàn ở Hàn Quốc chỉ có 0,4% phụ nữ làm giám đốc điều hành hoặc thành viên hội đồng quản trị, thấp nhất trong số các quốc gia trong nhóm OECD. Bên cạnh đó, nhân viên nam hiện đang được trả lương cao hơn khoảng 50% so với nhân viên nữ theo báo cáo kinh doanh của 20 công ty lớn hàng đầu Hàn Quốc.
Rất nhiều công ty nghĩ rằng nhân viên nữ có xu hướng từ chối làm thêm giờ, không đi công tác và không tình nguyện cho những công việc khó khăn. Một số người tin rằng phụ nữ dễ bỏ việc để kết hôn, sinh con... Điều này dẫn đến việc các công ty Hàn Quốc thích nhân viên nam hơn nhân viên nữ và cho đàn ông nhiều cơ hội thăng tiến hơn phụ nữ.
Doanh nghiệp Hàn Quốc và mục tiêu thay đổi văn hoá công sở cổ hủ
Rất nhiều công ty Hàn Quốc đã nhận ra rằng văn hóa làm việc của họ đang mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho nhân viên và ngay cả bản thân công ty. Mình rất vui khi thấy có rất nhiều công ty trẻ và hiện đại đang cung cấp môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên của họ. Ngoài ra, các công ty truyền thống cũng đang dần thay đổi văn hóa làm việc của họ.
Gần đây, một trong những công ty khởi nghiệp lớn của Hàn Quốc đã giới thiệu mô hình một tuần làm việc 35 giờ thay vì 40 giờ. Đây là trường hợp đầu tiên ở Hàn Quốc. Ngoài ra, chính phủ đang thúc đẩy việc tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên tại Hàn Quốc. Đây là hệ thống làm việc linh hoạt, có thể kiểm soát giờ làm việc hoặc làm việc tại nhà theo sự lựa chọn mỗi cá nhân. Các công ty sẽ cung cấp thêm ngày nghỉ thai sản và nghỉ phép của cha mẹ. Bằng cách cung cấp đủ thời gian để nghỉ ngơi, điều này về lâu dài sẽ dẫn đến sự tăng trưởng về hiệu quả và năng suất làm việc. Trong số các công ty trẻ và hiện đại hơn, đã có nhiều công ty cung cấp môi trường làm việc tuyệt vời cho nhân viên của họ.
Trên đây là bài viết về văn hoá công sở ở Hàn Quốc dành cho những bạn đang mong muốn làm việc tại xứ sở kimchi. Bạn nào đã từng đi làm ở Hàn có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu của bạn ở phần bình luận được không?
Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!