Cuộc sống của bác sĩ Hàn Quốc ngoài đời liệu có giống các nhân vật trong Hospital Playlist?
Làm thế nào để trở thành bác sĩ ở Hàn Quốc? Lương của bác sĩ cao không? Cuộc sống của các bác sĩ có lãng mạn như trong phim Hospital Playlist?
Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!
Bạn có phải fan của bộ phim Hospital Playlist (Chuyện đời bác sĩ) không? Đây là bộ phim đang rất hot không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều nước châu Á, nó miêu tả sinh động cuộc sống của các bác sĩ làm việc trong bệnh viện đại học.
Liệu cuộc sống của các bác sĩ ở Hàn Quốc ngoài đời thực có giống trong phim? Cùng chúng mình tìm hiểu nha~
Nhận thức về nghề bác sĩ ở Hàn Quốc
Cũng giống như Việt Nam, bác sĩ là nghề cao quý ở Hàn Quốc. Ở Hàn, các chuyên gia trong các ngành nghề chuyên môn đòi hỏi trình độ học vấn cao luôn được coi trọng, và trong số đó bác sĩ là nghề được coi trọng nhất.
Theo 'Diễn đàn Chính sách Y tế' được công bố bởi Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, nghề bác sĩ đứng đầu với 90,7% trong đánh giá về độ tin cậy chuyên môn.
Do đó, địa vị xã hội của các bác sĩ ở Hàn Quốc rất cao. Ngoài ra, mức lương cũng rất cao khiến nó trở thành một trong những nghề được yêu thích và là mơ ước của nhiều học sinh và phụ huynh.
Quá trình để trở thành bác sĩ
1. Vào đại học Y
Nguồn: medigatenews
Yêu cầu đầu tiên để trở thành bác sĩ là hoàn thành chương trình học tập tại một trường đại học y hoặc một trường cao học y. Để đỗ vào trường đại học y thực sự rất khó. Trong suốt 3 năm cấp 3, các học sinh phải cố gắng học tập thật chăm chỉ để đạt điểm số cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Thông thường, chỉ một học sinh đứng nhất toàn trường trong ba năm trung học phổ thông, hoặc top 1% đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học mới có thể vào trường y.
Tất cả năm bác sĩ, nhân vật chính trong phim Hospital Playlist đều tốt nghiệp trường Y Đại học Quốc gia Seoul, là ngôi trường mà chỉ có 0,01% học sinh hàng đầu cả nước mới có thể vào học Vào được trường y như thế này không phải là chuyện dễ dàng đúng không?
2. Học hết 6 năm đại học ở trường Y
Sau khi học tập chăm chỉ để vào trường Y, bạn phải trải qua 6 năm học đại học. Hai năm đầu tiên là 'khóa học nhập môn' (예과) như bước đệm cho cuộc sống y sĩ sau này.
Đây là thời gian để học các môn cơ bản như sinh học, hóa học và sinh lý học trước khi vào học chuyên môn y khoa. Điểm số nhận được trong khoảng thời gian này không được tính vào điểm tốt nghiệp nên có nhiều sinh viên có xu hướng vừa học vừa chơi.
Sau đó, các sinh viên sẽ bắt đầu vào học nghiên cứu y khoa chuyên môn và giai đoạn này gọi là 'khóa học chuyên ngành' (본과). Kể từ thời điểm này, bạn phải tuân theo một giáo trình đào tạo nghiêm ngặt và thực sự rất khó. Mỗi trường sẽ khác nhau, nhưng thường cứ 2 tuần sẽ có một bài kiểm tra, phạm vi bài kiểm tra cũng như thời lượng học ngoài sức tưởng tượng
Từ năm thứ 3, các sinh viên sẽ phải đến bệnh viện để học thực hành. Bạn có thể thấy trong phim Hospital Playlist, 2 nhân vật Jang Yoon-bok và Jang Hong-do là sinh viên năm 3 đã đến bệnh viện học tập.
Nguồn: Youtube Med student TV
Vì bác sĩ là một nghề liên quan đến tính mạng con người nên chế độ lưu ban khắt khe hơn rất nhiều so với các khoa khác. Nếu bạn đạt điểm F cho dù chỉ một môn học, hoặc nếu điểm trung bình chung của tất cả các môn học thấp hơn so với điểm tiêu chuẩn, bạn sẽ bị lưu ban. Vì vậy sinh viên y khoa lúc nào cũng rất căng thẳng.
3. Kỳ thi bác sĩ cấp quốc gia
Nguồn: doctorsnews
Sinh viên đã hoàn thành 2 năm học nhập môn và 4 năm học chuyên ngành, sẽ tham dự kỳ thi bác sĩ cấp quốc gia. Đây là một kỳ thi quốc gia quyết định các sinh viên có được cấp giấy phép hành nghề y hay không.
Đây là bài kiểm tra xem bạn có đủ năng lực tối thiểu cần thiết để trở thành bác sĩ hay không và được thực hiện như một đánh giá tuyệt đối chứ không phải đánh giá tương đối.
Nếu vượt qua kỳ thi này, các sinh viên sẽ nhận được giấy phép hành nghề y cơ bản, và bắt đầu học thêm để trở thành một bác sĩ chuyên ngành.
4. Thực tập 1 năm
Nguồn: Donga Ilbo
Trước hết, bạn phải làm việc trong một năm với tư cách là bác sĩ thực tập tại bệnh viện đa khoa của trường đại học.
Trong tập 3 phần 1 phim Hospital Playlist, có cảnh thực tập của Kim Jun-wan. Khi đó, Kim Jun-wan tham gia phẫu thuật lồng ngực với tư cách là một trợ lý, và từ đó quyết định theo đuổi sự nghiệp phẫu thuật lồng ngực.
Như vậy, trong thời gian thực tập, các sinh viên sẽ được thực tập ở các khoa trị liệu để rồi quyết định chuyên khoa mình muốn theo đuổi.
5. Làm bác sĩ nội trú 4 năm
Nếu đã chọn được chuyên khoa trong quá trình thực tập, các sinh viên sẽ tham gia kỳ thi cho chuyên khoa của mình. Sau khi lấy điểm kiểm tra này cùng với điểm thời đại học, điểm bài kiểm tra cấp quốc gia của bác sĩ và điểm thực tập, các sinh viên sẽ vào làm việc như một bác sĩ nội trú trong khoa mình đăng ký.
Trong phim Hospital Playlist, Jang Gyeo-wool, Do Jae-hak, Choo Min-ha, và Heo Seon-min là các bác sĩ nội trú.
6. Thi chuyên khoa
Trong năm nội trú thứ tư, các bác sĩ sẽ tham gia kỳ thi chuyên khoa. Nếu vượt qua kì thi, họ sẽ trở thành bác sĩ chuyên khoa. Tại thời điểm này, các bác sĩ sẽ suy nghĩ về hai con đường sự nghiệp lớn.
Một là mở bệnh viện tư nhân và trở thành viện trưởng. Hai là giống như năm bác sĩ trong Hospital Playlist, sẽ ở lại bệnh viện đa khoa làm bác sĩ và nhận lương (Pay Doctor).
Để trở thành giáo sư ở bệnh viện đại học như các nhân vật chính trong Hospital Playlist, bạn sẽ phải hoàn thành thêm hai năm khóa học nghiên cứu sinh.
Như vậy, 5 vật chính trong phim đã trải qua 13 năm học tập: 6 năm đại học, 1 năm thực tập, 4 năm nội trú, 2 năm nghiên cứu sinh. Thật đáng nể phục đúng không?
Lương của các bác sĩ
Vậy lương của bác sĩ Hàn Quốc là bao nhiêu? Trước hết, trong thời gian thực tập và nội trú, lương mỗi tháng khoảng 3,5 triệu won đến 4 triệu won. Đó là mức lương khởi điểm của một nhân viên mới tại một công ty lớn ở Hàn Quốc. Tuy nhiên giờ làm việc của các bác sĩ dài hơn rất nhiều.
Sau khi trở thành bác sĩ chuyên khoa, lương của các bác sĩ sẽ là bao nhiêu?
Theo Khảo sát Tình trạng Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội công bố năm 2018, mức lương trung bình hàng tháng của một bác sĩ làm công ăn lương (Pay Doctor) trong các cơ sở y tế trên toàn quốc là 13 triệu won (~260 triệu VNĐ). Như vậy, lương mỗi năm của các bác sĩ là khoảng 156 triệu won (~3,1 tỷ VNĐ).
Nếu xét đến thu nhập trung bình hàng tháng của một nhân viên văn phòng do Cục Thống kê Quốc gia công bố là khoảng 3 triệu won (~60 triệu VNĐ), thì con số này cao hơn gấp hơn 4 lần. Một mức lương đáng mơ ước!!
Thời gian làm việc của các bác sĩ
Thời gian làm việc của sinh viên thực tập và bác sĩ nội trú thực sự rất dài. Điều này là do với tư cách là bác sĩ phụ trách, họ phải theo dõi và điều trị hết mình cho các bệnh nhân của họ, bên cạnh đó còn phải không ngừng học tập và tích lũy kinh nghiệm để trở thành bác sĩ chuyên khoa. Có thể nói nó là môi trường làm việc tồi tệ nhất trong hệ thống y tế của Hàn Quốc.
Theo Luật Lao động Hàn Quốc, số giờ làm việc tối đa mỗi tuần đối với người lao động là 52 giờ, nhưng đối với thực tập sinh và bác sĩ nội trú thì thời gian làm việc một tuần là 88 giờ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không được tuân thủ.
Đầu năm 2019, có một trường hợp bác sĩ đã tử vong vì làm việc quá sức trong suốt 36 tiếng không nghỉ.
Nếu trở thành bác sĩ chuyên khoa thì giờ làm việc sẽ được cải thiện hơn, cố định là 8 giờ một ngày hoặc 40 giờ một tuần.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Hiệp hội bác sĩ bệnh viện Hàn Quốc, họ làm việc trung bình từ 47 giờ trở lên một tuần. Đặc biệt, các bác sĩ phẫu thuật tại các bệnh viện đa khoa tuyến trên làm việc trung bình 71 giờ một tuần.
Điều này là do luôn có những tình huống khẩn cấp và những ngày trực đêm ở bệnh viện ngoài giờ làm việc theo quy định. Vì vậy, các bác sĩ ngoài đời thực nói rằng việc 5 bác sĩ trong Hospital Playlist tụ tập chơi nhạc sau giờ làm việc là điều không thể.
Môi trường làm việc của các bác sĩ
Nguồn: docdocdoc
Ở Hàn Quốc, có 2,3 bác sĩ trên 1,000 dân. Con số này thấp hơn 1,2 so với mức trung bình của OECD là 3,5 và là mức thấp nhất trong số 36 nước thành viên. Do đó, mà các bác sĩ luôn phải làm việc quá sức như mình kể trên.
Có nhà ăn riêng cho nhân viên y tế trong bệnh viện, nhưng có nhiều khi các bác sĩ còn không có thời gian ăn do các trường hợp khẩn cấp hoặc có thể là việc quá bận.
Đó là lý do mà các đồ ăn nhanh như mì tôm, bánh mì, đồ ngọt,.. xuất hiện rất nhiều trong phim Hospital Playlist. Đặc biệt là đối với các sinh viên thực tập, bác sĩ nội trú và các nhân viên y tế làm việc trong các phòng cấp cứu.
Nguồn: Chungang Ilbo
Những ngày phải trực đêm, các bác sĩ sẽ phải ngủ tạm giấc ngủ ngắn trên những chiếc giường chật hẹp như thế này. Như vậy, tuy nhận lương cao nhưng công việc của các bác sĩ thực sự rất vất vả và không phải ai cũng làm được!
Trên đây là những tổng hợp của chúng mình về cuộc sống của các bác sĩ Hàn Quốc ngoài đời thực. Bạn có thấy nó giống nhiều với phim Hospital Playlist không?
Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!