Văn hóa giao đồ ăn baedal ở Hàn và những áp lực vô hình của shipper
Giao đồ ăn ở Hàn Quốc đã phát triển như thế nào? Tại sao dịch vụ giao đồ ăn lại phổ biến như vậy?
Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!
Giao đồ ăn (배달) là 1 trong những dịch vụ phát triển nhất ở Hàn Quốc. Đến Hàn, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên bởi độ tiện lợi và nhanh chóng của nó. Bài viết này mình sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin chung về văn hoá giao đồ ăn ở Hàn, lịch sử phát triển, tại sao dịch vụ này lại được ưa chuộng đến vậy cũng như những áp lực lớn đè nặng lên đôi vai của shipper nhé!
Lịch sử văn hóa giao đồ ăn
Giao đồ ăn đã trở thành 1 trong những dịch vụ được sử dụng nhiều nhất ở Hàn mỗi ngày. Hàn Quốc được đánh giá là thị trường giao hàng thực phẩm lớn thứ 4 thế giới, với tổng giá trị lên tới 20 nghìn tỷ won.
Món ăn được giao đầu tiên ở Hàn được ghi nhận trong sử sách là món hyojonggaeng (hay còn gọi là haejangkuk ngày nay) – 1 loại canh giải rượu có nguồn gốc từ Gwangju. Trong “Haedong Jukji” do Choe Yeongneon biên soạn năm 1925 có ghi “dân chúng ở thành Gwangju nấu ăn rất ngon.
Họ hầm canh với cải thảo, giá, nấm thông, nấm đông cô, sườn bò, hải sâm, bào ngư… trong suốt 1 ngày, sau đó thì đóng gói các hũ canh đó, bọc trong vải bông rồi gửi lên kinh thành. Khi chuông báo hiệu buổi sáng vừa điểm cũng là lúc canh đến được nhà tể tướng. Cho đến lúc đó thì canh vẫn còn ấm và là món giải rượu tuyệt vời”. Có thể thấy lịch sử giao hàng của Hàn Quốc đã xuất hiện trong lịch sử.
Tuy nhiên, hiện nay thì mọi người ở Hàn, ai cũng có thể sử dịch vụ giao hàng. Trước đây thì họ cần phải gọi điện đến các quán để đặt nhưng bây giờ với các ứng dụng đặt hàng trên điện thoại, chỉ vài thao tác thôi là bạn đã có thể gọi được món cho mình. 2 ứng dụng lớn nhất là Baemin và Yogiyo. Gần đây, Coupang cũng đã ra nhập thị trường này với Coupang eats. Bạn có thể gọi mọi thứ từ cơm, canh, hamburger… thậm chí là kem, bingsu.
Thay vì phải nấu nướng hoặc ra ngoài ăn thì người Hàn rất chuộng việc gọi đồ về nhà, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt như thế này! Nếu bạn không giỏi tiếng Hàn thì có thể sử dụng dịch vụ ship đồ ăn của Creatrip nha!
Tại sao văn hoá giao đồ ăn lại trở nên phổ biến ở Hàn
Về việc tại sao văn hoá giao đồ ăn lại trở nên phổ biến đến thế ở Hàn thì có 1 vài lí do được được đưa ra.
1. Do văn hoá ăn đêm của người Hàn Quốc
Người Hàn Quốc thường có thói quen ăn đêm mỗi khi làm tăng ca vào buổi tối hoặc khi đang xem phim, hẹn hò cùng bạn ở nhà. Vào những lúc thế này, họ thường gọi gà rán, pizza, jokbal, đồ chiên để ăn. Nhằm phục vụ nhu cầu đó nên có rất nhiều cửa hàng mở cửa về đêm, kéo theo dịch vụ ship đồ ăn cũng phát triển.
2. Do tính tiện lợi của dịch vụ giao đồ ăn
Với sự phát triển của smartphone, các ứng dụng giao đồ ăn cũng ra đời và chiếm được nhiều sự ủng hộ của người Hàn. Giờ đây họ không cần phải nấu nướng, không cần phải mất công ra đường, thậm chí không cần gọi điện đến nhà hàng để đặt đồ mà chỉ cần làm 1 vài thao thác trên điện thoại là được.
2 ứng dụng gọi đồ ăn được dùng nhiều nhất ở Hàn là Baemin và Yogiyo. Ứng dụng có chức năng định vị và hiển thị những nhà hàng gần khu vực bạn ở nhất. Trên ứng dụng này có tất cả menu, giá cả và review về nhà hàng. Bạn có thể cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đặt món.
Sự tiện lợi của dịch vụ giao đồ ăn ở Hàn còn ở chỗ, nếu trước đây phải gọi ít nhất 2 phần mới được ship thì hiện nay ngay cả bạn gọi 1 suất thì cũng có thể được giao. Việc thanh toán trên các app này cũng vô cùng dễ dàng như thanh toán bằng thẻ, Kakaopay, thanh toán khi nhận hàng…
3. Do xu hướng ở 1 mình của người Hàn
Số hộ gia đình 1 người ở Hàn 1995 - 2018 (triệu hộ) | Nguồn: statista
Hiện nay xu hướng ở 1 mình ở Hàn Quốc ngày càng tăng. Nếu như năm 1995, hộ gia đình 1 người ở Hàn chỉ là 1,64 triệu hộ thì đến năm 2018, con số này đã tăng hơn 3,5 lần, lên tới 5,85 triệu hộ. Nhiều người sống 1 mình cảm thấy ngại nấu ăn, do đó họ thường gọi đồ ăn về nhà. Xu hướng này có thể thấy qua việc ngày càng nhiều nơi nhận ship suất ăn cho 1 người.
Những áp lực vô hình của shipper đánh đổi bằng cả tính mạng
Phần lớn người giao hàng (shipper) ở Hàn sử dụng xe máy vì nó tiết kiệm, có thể đi vào mọi ngóc ngách cũng như không phải khó khăn trong việc tìm chỗ để xe. Tuy nhiên nhiều khi những người shipper này lại được coi là những hung thần trên đường phố vì họ đi quá nhanh, vượt đèn đỏ. Có nhiều shipper là thanh thiếu niên nên lái xe có phần liều lĩnh.
Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến shipper. Theo thống kê trong 4 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc có 5,000 vụ tai nạn giao thông. Số người tử vong vì tai nạn giao thông xe máy tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 15% lên 123 người. Cơ quan chức năng cho biết số vụ tai nạn và tử vong do xe máy tăng lên do lượng đơn đặt hàng giao đồ ăn tăng cao khi thực hiện giãn cách xa hội vì Covid-19. (Nguồn: imbc)
Vậy thì lý do nào khiến những shipper này lại phải lái xe 1 cách liều lĩnh và coi thường tình mạng của mình như vậy? Nếu ở Việt Nam shipper sợ bị bùng hàng thì ở Hàn Quốc, shipper lại sợ giao hàng muộn.
Hàn Quốc nổi tiếng với văn hoá Bballi Bballi, cái gì cũng phải nhanh. Việc giao hàng cũng vậy. Thứ nhất, vì tính chất đồ ăn, nếu giao chậm thì đồ ăn sẽ không còn ngon nữa, khi đó khách hàng sẽ gửi feedback không tốt về cửa hàng. Thứ 2, vì văn hoá sống gấp của người Hàn nên họ cũng yêu cầu đồ ăn phải được giao nhanh. Những lý do này khiến shipper phải lái xe khá “mạo hiểm” để giao đồ ăn 1 cách nhanh nhất. Thêm nữa, các tài xế sẽ được trả khoảng 3,500 won cho mỗi lần giao hàng. Càng giao nhanh, họ càng nhận được nhiều tiền. Vì vậy, không ít người lái xe liều lĩnh để kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Dù trời nắng gắt hay mưa to, khi nào có khách gọi, khi đó họ phải giao hàng.
Tuy nhiên, chính vì những áp lực này đã nhiều lúc khiến họ rơi vào nguy hiểm, thâm chí là đánh mất cả tính mạng của bản thân. Shin Sung-sub, một công nhân xây dựng 27 tuổi ở Seoul, cho biết: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng cách nói dối sếp rằng tôi đã có bằng lái xe mô tô khi mới 17 tuổi."
Anh ấy làm việc cho nhiều nhà hàng địa phương cùng với các bạn học trung học của mình ở ngoại ô thành phố Guri, và được trả khoảng 250,000 won (khoảng 5 triệu VNĐ) mỗi tuần nếu làm việc mỗi ngày sau giờ học. Anh nhớ lại mình đã trải qua khoảng 2-3 lần suýt chết trên đường, và khoảng 3 vụ tai nạn, nhưng may mắn là không bị thương nặng. Shin kể rằng: “Đã có nhiều lần có hơn 10 đơn đặt hàng đang đợi giao, vì vậy tôi sẽ cố gắng thực hiện ba đến bốn chuyến giao hàng cùng một lúc. Tôi đã vượt đèn đỏ, lái xe luồn lách giữa các ô tô và chạy quá nhanh một cách không cần thiết trong những con hẻm hẹp." Một trong những chiếc xe máy anh sử dụng đã quá cũ và bị hỏng. “Một số nhà hàng sẽ có những chiếc xe máy mới và được kiểm tra định kỳ, nhưng nơi làm việc đầu tiên của tôi đã cho tôi một chiếc xe máy bị hỏng phanh sau,” anh nói. "Lời khuyên an toàn duy nhất mà tôi nhận được là" hãy cẩn thận khi đi "từ sếp của tôi." (Nguồn: scmp)
딜리버리히어로코리아
Do các vụ tai nạn xe máy đang tăng lên nên các ứng dụng giao hàng cũng đã bắt đầu có những chương trình giáo dục luật an toàn giao thông đường bộ cho shipper. Với những nỗ lực này, hy vọng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy sẽ được giảm bớt.
Trên đây là thông tin về văn hoá giao đồ ăn ở Hàn Quốc. Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!