logo
logo
DEPRECATED_CloseIcon

Tết Trung thu Việt Nam và Chuseok Hàn Quốc: giống và khác nhau thế nào?

Ở Việt Nam không được nghỉ, ở Hàn Quốc nghỉ hẳn 3 ngày. Rất nhiều khác biệt sẽ được liệt kê trong bài viết này đó!

HannaVu
2 years ago
Tết Trung thu Việt Nam và Chuseok Hàn Quốc: giống và khác nhau thế nào? -thumbnail
Tết Trung thu Việt Nam và Chuseok Hàn Quốc: giống và khác nhau thế nào? -thumbnail

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!

Tết Trung thu hay là rằm tháng 8 là 1 dịp được rất nhiều người mong đợi cả ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc. Tuy 2 nước có những nét giống nhau trong ngày lễ này nhưng cũng có rất nhiều điều khác nhau. Bài viết này sẽ cho bạn hiểu thêm về điều đó nhé.

Nguồn gốc của Tết Trung thu (Chuseok)

Nguồn: CafefBiz

Hàn Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc từ xa xưa nên cả 2 nước đều đón tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Ở Việt Nam, tết Trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước khi tiết trời vào thời kì mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch.

Tết Trung thu được tổ chức thời điểm này để cúng tổ tiên và mừng mùa màng bội thu. Sau này tết Trung thu được chuyển dần thành ngày tết Thiếu nhi. Tuy vậy, ở Việt Nam ngày tết này không được công nhận là ngày lễ chính thức, học sinh, người đi làm không được nghỉ.

Tết Trung thu ở Việt Nam và Chuseok ở Hàn Quốc giống mà khác nhau rất nhiều

Tại Hàn Quốc, tết Trung thu được gọi là Chuseok, với ý nghĩa chỉ đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Người Hàn có câu “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” (5월 농부 8월 신선), ý chỉ vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn chăm sóc mùa màng nhưng khi đến tháng 8, vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên. Người Hàn Quốc cho đến tận ngày nay vẫn coi đây là dịp lễ tạ ơn tổ tiên đã giúp họ có được mùa màng no đủ và cầu mong cho mùa màng năm sau bội thu.

Bên cạnh đó, Chuseok cũng được coi là Tết đoàn viên và được công nhận là ngày lễ chính thức của quốc gia. Người dân Hàn Quốc thường được nghỉ 3 ngày để về quê và quây quần cùng gia đình. Đây là dịp lễ lớn thứ 2 sau Tết âm lịch.

Nếu ở Hàn vào dịp Chuseok, bạn sẽ thấy hầu như các hàng quán đều sẽ đóng cửa. Ngày trước Chuseok sẽ có những hàng xe dài nối nhau rời các thành phố lớn để về với gia đình.

Các phong tục vào dịp tết Trung thu (Chuseok) gồm những gì?

Nguồn: baomoi

Ở Việt Nam thì Trung thu đã trở thành ngày tết Thiếu nhi, do đó các khu phố, bậc phụ huynh thường cho con tham gia “phá cỗ”, ăn bánh Trung thu và đi rước đèn. Vì đây không phải là 1 ngày lễ chính thức nên các phong tục cũng không quá phức tạp, cầu kì.

Ở Hàn thì khác, Chuseok là 1 dịp lễ lớn và quan trọng. Có khá nhiều nghi thức diễn ra trong thời gian này ở các gia đình, đặc biệt là 2 nghi thức không thể thiếu: nghi thức Beolcho (벌초) và nghi thức Seongmyo (성묘). 2 nghi thức này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt trong dịp Tết.

Vào dịp Chuseok ở Hàn, các thành viên trong gia đình người Hàn sẽ đến phần mộ của tổ tiên, dọn dẹp và cắt cỏ dại khu vực xung quanh mộ. Sau khi dọn dẹp xong, họ sẽ bày một mâm cỗ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa để dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

Ngoài ra người Hàn còn có nghi thức Charye (차례). Toàn bộ thành viên gia đình sẽ tụ họp lại tại phòng chính vào sáng sớm ngày đầu tiên của Chuseok để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm trước bàn thờ tổ tiên. Sau khi nghi lễ kết thúc, họ sẽ thụ lộc cùng nhau.

Món ăn truyền thống dịp tết Trung thu ở Hàn và Việt Nam

Ở Việt Nam thì không thể nhắc đến bánh Trung Thu rồi. Những chiếc bánh nướng bánh dẻo với nhân thơm phức, chỉ nhắc thôi đã thấy thèm. Bánh Trung thu ở Việt Nam thường được làm thành hình tròn tượng trưng cho trời hoặc hình vuông tượng trưng cho đất. Bên cạnh đó còn có cả hình chú heo con, cá chép rất xinh xắn nữa.

Tết Trung thu ở Việt Nam và Chuseok ở Hàn Quốc giống mà khác nhau rất nhiều

Ở Hàn thay vì bánh Trung thu thì họ ăn Songpyeon (송편). Songpyeon là món bánh được làm bằng bột gạo mới, gạo không dính, có nhân vừng, đậu đỏ, đậu xanh và được nặn thành hình bán nguyệt. Bánh được hấp trên lớp lá mỏng nên khi ăn bạn sẽ cảm thấy được mùi thơm của lá.

Theo truyền thuyết ở Hàn, cô gái nào làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất sẽ có thể gặp được người chồng tuấn tú và sinh hạ được 1 bé gái xinh xắn. Các món ăn khác thường được thấy trong dịp Chuseok gồm có Jeon, hồng khô, rượu baekju (rượu trắng), canh khoai sọ Toranguk…

Xem thêm về các nhà hàng ngon tại Hàn

Chơi gì vào dịp Tết Trung thu (Chuseok) ở Hàn Quốc và Việt Nam

Nguồn: doanthanhnien.vn

Ở Việt Nam thì bố mẹ thường tặng cho con những món đồ truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ, đèn kéo quân, đèn cù, trống, đầu lân... để con tham gia vào lễ rước đèn. Thêm nữa, ở Việt Nam có rất nhiều các buổi biểu diễn để "đón" chị Hằng, anh Cuội về chơi trung thu với trẻ em.

người hàn chơi yutnori dịp trung thu

Ở Hàn thì không có lễ rước đèn như Việt Nam, thay vào đó họ chơi kéo co Juldarigi (줄다리기), đánh trận giả, đấu vật Ssireum (씨름), Yutnori (윷놀이)… Dạo gần đây thì có nhiều người Hàn chọn đơn giản hoá tết Chuseok bằng cách đi du lịch cùng gia đình, coi như đây là thời gian để mọi người có thể nghỉ ngơi sau hơn nửa năm làm việc vất vả.

Dịp Chuseok họ cũng sẽ thường chuẩn bị 1 vài món quà Trung thu để tặng gia đình, họ hàng.

Trên đây là những nét giống và khác nhau về tết Trung thu (Chuseok) ở Việt Nam và Hàn Quốc. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm những điểm khác nhau thú vị giữa Hàn Quốc và Việt Nam cũng như các blog review du lịch Hàn mà Creatrip đã chuẩn bị nhé!

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

Instagram: creatrip.vn

Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc

TikTok: creatripvietnam