logo
logo
DEPRECATED_CloseIcon

Tìm hiểu lịch sử thăng trầm đầy thú vị của món mì ăn liền ramyeon Hàn Quốc

Mì ramyeon Hàn Quốc đầu tiên được ra đời khi nào? Liệu nó có giống với mùi vị mì ramyeon bây giờ?

Trang Pham
3 years ago
Tìm hiểu lịch sử thăng trầm đầy thú vị của món mì ăn liền ramyeon Hàn Quốc-thumbnail
Tìm hiểu lịch sử thăng trầm đầy thú vị của món mì ăn liền ramyeon Hàn Quốc-thumbnail

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!

Mì ramyeon (라면) là loại mì ăn liền của Hàn Quốc có lịch sử phát triển gần 60 năm. Ngày nay, nhờ sự quảng bá rộng rãi mà mì ramyeon đã trở thành món ăn yêu thích ở nhiều nước trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam.

Hôm nay, cùng chúng mình tìm hiểu lịch sử hình thành và các bước phát triển của món mì ramyeon quốc dân này nha!


Mì ramyeon ra đời để giải quyết cái đói

Nguồn: Naver

Vào ngày 15 tháng 9 năm 1963, người sáng lập công ty thực phẩm Samyang, Jeon Joong-yun đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật miễn phí từ Công ty thực phẩm Myojo Nhật Bản và bắt đầu sản xuất và bán những gói mỳ ramyeon lần đầu tiên. Tên gói mì ramyeon đầu tiên là mì Samyang ramyeon (삼양라면) và giá 1 gói mì ramyeon vào thời điểm đó là 10 won (khoảng 200 vnd).

Để quảng bá mì ramyeon đến mọi người dân, trong suốt 1 năm, các thành viên gia đình và nhân viên công ty thực phẩm Samyang đã đến các rạp chiếu phim, công viên, đường phố,… để thực hiện các sự kiện quảng bá như mời ăn thử và đánh giá về món mì ramyeon. Với sự nỗ lực hết mình, món mì ramyeon cũng dần được mọi người dân Hàn biết đến và trở thành món ăn được yêu thích.

Những năm 60 là thời kỳ cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc nhưng để lại nhiều tàn dư, với sự đã tàn phá nặng nề khiến Hàn Quốc lâm vào cảnh nghèo đói không có cái ăn.

Và mì ramyeon thời kỳ này như một món thực phẩm cứu đói, có thể ăn no bụng mà giá lại rẻ nên nó được gọi là loại ‘gạo thứ 2’ (제2쌀).

Nguồn: Naver

Mặc dù chi phí sản xuất, đầu tư máy móc, chi phí quản lý ngày một tăng cao, nhưng công ty Samyang vẫn giữ đúng giá mì 10 won trong suốt 7 năm với tiêu chí ‘Giải quyết cái đói của người dân quan trọng hơn lợi nhuận’.


Phát triển và thay đổi

Nguồn: Naver

Năm 1965, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách bữa ăn hỗn hợp (혼분식) để giải quyết vấn đề thiếu gạo của người dân, đó là thay vì ăn nguyên gạo thì sẽ ăn cơm độn ngũ cốc (잡곡밥) và thức ăn làm bằng bột mì (분식). Nhờ chính sách này mà mì ramyeon là ngành công nghiệp sản xuất được nhà nước hỗ trợ và doanh thu bán mì ramyeon tăng mạnh.

Nguồn: Daum

Thêm vào đó, loại mì gói đời đầu được chế biến bằng nước súp trắng làm từ thịt gà nên nó không thực sự hợp với đại đa số người Hàn vốn dĩ ăn cay.

Trước tình hình đó, Tổng thống Park Chung Hee thời đó – một fan của mì ăn liền – đã đề xuất với công ty sản xuất vào năm 1966 rằng, nên thêm ớt bột vào món mì. “Tôi hy vọng công ty có thể thêm nhiều bột ớt vì người Hàn Quốc thích đồ ăn cay”, ông nói.

Tiếp thu ý kiến của người lãnh đạo đất nước, công ty thực phẩm Samyang sau đó đã làm theo. Không chỉ bắt đầu quảng cáo, công ty còn tổ chức các sự kiện ăn thử miễn phí để khảo sát và cải tiến món mì phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc.

Nguồn: Daum

Kể từ đó, ngành công nghiệp mì ăn liền sử dụng nước dùng làm từ thịt bò và ‘kỷ nguyên mì đỏ’ bắt đầu. Và thời đó Tổng thống Park có ảnh hưởng rất lớn đến người Hàn, nên điều đó cũng giúp cho thị trường mì Hàn thay đổi và phát triển hơn.

Trên thực tế, vào năm 1969, 15 triệu gói mì đã được bán ra. Năm 1970, nhiều sản phẩm khác nhau như jajangmyeon, kalguksu, và naengmyeon xuất hiện. Ngoài ra, mì ramyeon đậu tương (된장라면) được làm để phù hợp với khẩu vị truyền thống của người Hàn cũng ra đời.Những năm 1980, là thời kỳ hoàng kim của mì ramyeon. Thời kỳ này những loại mì bán chạy nhất đồng loạt ra đời và cạnh tranh nhau như Yukgaejang (육개장사발면), Neoguri (너구니), Ansungtangmyun (안성탕면) của Nongshim, Jin ramyeon (진라면) của Ottogi (오뚜기),… Ngoài ra, chính phủ còn hợp tác sản xuất mì với Binggrae (빙그레) khiến thị trường mì càng cạnh tranh khốc liệt hơn.


Bắt đầu với sự ra mắt của mì ly ăn liền đầu tiên Yukgaejang (육개장사발면) vào ngày 17 tháng 11 năm 1982, món mì ly ăn liền chỉ cần đổ nước nóng trực tiếp vào ly là có thể thưởng thức luôn một cách nhanh chóng đã trở nên phổ biến.

Kể từ đó, nhiều loại mì ly ramyeon đã được tung ra thị trường như Jjamppong ramyeon, Bibim ramyeon, Rabokki và Rice ramyeon,…

Và năm 1985, thị trường ramyeon cũng có biến động lớn. Hãng mì Nongsim (농심) tiền thân là công ty Lotte thành lập năm 1965, với nhiều loại mì được yêu thích như Yukgaejang, Neoguri, Ansungtangmyun đã vượt Samyang ramyeon để đứng đầu doanh thu mì ăn liền.

Năm 1988, thị phần của Nongshim đạt 50,6%. Và ngày nay Shin ramyeon (신라면) đã trở thành món mì cay quốc dân và vẫn chưa loại mì nào chiếm được ngôi vị đó.


Thử thách và xuất khẩu

Từ sau năm 1990, ngành công nghiệp mì ăn liền Hàn Quốc đã thực hiện nhiều thử thách để thay đổi mình. Sản phẩm đa dạng hóa với nhiều loại vị được ra đời để làm hài lòng khẩu vị của người dân. Quy mô thị trường mì đã vượt 1 nghìn tỷ won.

Tất nhiên không phải tất cả các hãng mì đều thành công, có những hãng mì không được người dân đón nhận và đã biến mất mà người Hàn gọi là ‘món mì bị xui xẻo’ (비운의 라면). Tiêu biểu như 쌀탕면 (1990) và 머그면 (1993) của Nongshim, 왕라면 (2002) của công ty Yakult Hàn Quốc,…

Những năm 2000, Hàn Quốc bắt đầu xuất khẩu mì ramyeon ra nước ngoài. Nongshim mở rộng thị trường và mở các nhà máy ở Trung Quốc, LA Mỹ. Năm 2003, Binggae đã rút lui khỏi thị trường mì ramyeon. Hiện nay Hàn Quốc có 4 cường quốc mì là Nongshim, Samyang, Ottogi, Paldo.

Năm 2011, giới mì ramyeon Hàn Quốc lại thay đổi và thử thách với ‘nước dùng trắng’. Hãng Paldo đã cho ra mắt mì Kkokkomyeon (꼬꼬면) giúp cho thị trường ramyeon tăng lên 2 nghìn tỷ won.

Nhưng luồng gió ‘nước dùng trắng’ này chỉ nổi tiếng trong vòng 2 năm. Và 2 năm sau, thị trường mì ramyeon lại quay lại loại nước dùng màu đỏ như trước.

Nguồn: Yonhap news

Và đến ngày nay, các bạn sẽ thấy mì Hàn hầu như đều có vị cay với nước dùng màu đỏ hấp dẫn.

Hàn Quốc hiện tại là quốc gia tiêu thụ mì gói đứng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 75,1 gói mì/người vào năm 2019.

Trên đây là lịch sử ra đời và những thăng trầm phát triển của món mì ramyeon Hàn Quốc. Bạn thích vị mì ramyeon nào nhất? Bạn có thể tham khảo thêm Top 5 loại mì ăn liền bán chạy nhất ở Hàn nha!

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

Instagram: creatrip.vn

Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc