logo
logo
DEPRECATED_CloseIcon

Idol Kpop gen 1 - gen 4: Phân tích chi tiết về đặc điểm của idol và sự thay đổi văn hóa fandom

Cùng tìm hiểu đặc điểm của các thần tượng K-pop thế hệ 1 ~ 4 và văn hóa của các fandom qua từng thời kì nha!

Jihyun Lee
3 years ago
Idol Kpop gen 1 - gen 4: Phân tích chi tiết về đặc điểm của idol và sự thay đổi văn hóa fandom-thumbnail
Idol Kpop gen 1 - gen 4: Phân tích chi tiết về đặc điểm của idol và sự thay đổi văn hóa fandom-thumbnail

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!

Đã hơn 20 năm kể từ khi K-pop trở thành một nền văn hóa chính thống ở Hàn Quốc. Qua từng thế hệ, thần tượng K-pop và văn hóa fandom đã có những thay đổi tích cực như thế nào? Cùng chúng mình phân tích nha!


Thần tượng K-pop thế hệ 1

Giai đoạn: Từ năm 1996 đến năm 2004

Nghệ sĩ đại diện:

  • Các nhóm nhạc thần tượng nam: H.O.T., Sechs Kies, god, Shinhwa, v.v.
  • Các nhóm nhạc thần tượng nữ: S.E.S, Fin.K.l, Baby Vox, v.v.

Thần tượng K-pop thế hệ 1

Thế hệ thần tượng đầu tiên bắt đầu sau khi nhóm nhạc ba thành viên Seo Taiji and Boys, biểu tượng huyền thoại đại diện cho nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, tan rã và giải nghệ.

Năm 1996, SM Entertainment là công ty giải trí cho ra đời nhóm nhạc thần tượng K-pop đầu tiên H.O.T., lấy cảm hứng từ nhóm nhạc Seo Taiji and Boys, một nhóm nhạc nam của Mỹ và chương trình đào tạo thần tượng Nhật Bản.

Bắt đầu với H.O.T., các nhóm như Sechs Kies, God, Shinhwa, S.E.S, Baby Vox và Fin.Kl cũng lần lượt ra đời. Và một fandom K-pop với quy mô lớn từ những người hâm mộ yêu mến và ủng hộ các nhóm nhạc thần tượng này cũng được hình thành.

fandom của Thần tượng K-pop thế hệ 1

Vào thời điểm này, internet chưa phát triển nên văn hóa fandom rất khác so với bây giờ. Khi thần tượng xuất hiện trên TV, các fan sẽ ghi lại trên băng video, và để mua vé xem concert, bạn phải đứng xếp hàng trước một ngày tại một ngân hàng nào đó được bán vé độc quyền.

Ngoài ra, đây là khi thị trường nhạc số chưa xuất hiện nên chỉ có thể nghe nhạc qua các album. Vì vậy, vào ngày một album mới được phát hành, các fan sẽ đứng xếp hàng dài trước cửa hàng băng đĩa để mua album. Vào thời điểm đó, thị trường âm nhạc băng đĩa rất sôi động. H.O.T. được gọi là nhóm nhạc huyền thoại khi đạt được doanh số bán album triệu bản cho mỗi album mới.

fandom của Thần tượng K-pop thế hệ 1

Hiện nay, mỗi nhóm nhạc thần tượng đều có màu sắc tượng trưng của nhóm riêng phải không? Văn hóa về màu sắc biểu tượng của thần tượng cũng bắt đầu từ những thế hệ đầu tiên như màu trắng của H.O.T., màu vàng của Sechs Kies, và xanh da trời của God. Nhưng thời đó, không có các que dạ quang hay đèn LED nhiều màu như bây giờ.

fandom của Thần tượng K-pop thế hệ 1

Thay vào đó là áo mưa và bóng bay! Người hâm mộ mặc áo mưa có màu đặc trưng của nhóm thần tượng mình yêu thích và hò reo cổ vũ bằng cách vẫy bóng bay. Ngoài ra, các phương pháp cổ vũ như hét to tên hoặc đọc khẩu hiệu của các thành viên trong phần nhạc dạo đầu khi chưa có lời bài hát ở các buổi concert cũng bắt đầu từ thời điểm này!

Thần tượng K-pop thế hệ 1

Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên fandom thần tượng K-pop được thành lập nên đã có rất nhiều vấn đề. Trước khi văn hóa fandom có ý thức hình thành, những thứ tuyệt đối không được phép làm thì thời đó lại được coi là đương nhiên. Ví dụ, việc đến thăm nhà hoặc ký túc xá của thần tượng là điều rất tự nhiên vào thời điểm này. Không ai nghĩ rằng bản thân hành động này là sai phạm.

fandom của Thần tượng K-pop thế hệ 1 đối đầu nhau

Ngoài ra, vào thời điểm này, sự cạnh tranh của từng nhóm nhạc thần tượng rất gay gắt. Việc các fandom của H.O.T và Sechs Kies đánh nhau tại nhiều địa điểm thu âm công khai và các buổi concert cũng rất phổ biến. Thêm vào đó, bất cứ khi nào có tin đồn rằng thần tượng mà mình yêu thích và một nữ thần tượng khác đang hẹn hò thì các fan lại đổ dồn sự giận dữ vào nữ thần tượng kia.

 Kan Mi-yeon của Baby Vox bị fan đe dọa

Ví dụ, sau khi có tin đồn về mối quan hệ tình cảm với thành viên Moon Hee-jun của H.O.T., Kan Mi-yeon của Baby Vox đã nhận được một xác chuột chết, một bức thư đe dọa được viết bằng máu và một con dao lam,...

Ngoài ra, còn có một đoạn video quay cảnh các fan của một nhóm nam thần tượng đã liên tục hét lên 'Cút đi!' trên khắp các sân khấu có Fin.K biểu diễn chỉ vì họ đã giành được vị trí No1.


Thần tượng K-pop thế hệ 2

TVXQ và Bigbang là Thần tượng K-pop thế hệ 2

Giai đoạn: 2005 - 2012

Nghệ sĩ đại diện thời kỳ đầu:

  • Các nhóm nhạc thần tượng nam: TVXQ, Super Junior, Big Bang, SS501, SHINee, 2PM
  • Các nhóm nhạc thần tượng nữ: Girls' Generation, Wonder Girls, KARA

Nghệ sĩ đại diện thời kỳ sau:

  • Các nhóm nhạc thần tượng nam: BEAST (hiện tại là Highlight), Infinite, MBLAQ, B1A4
  • Các nhóm nhạc thần tượng nữ: 2NE1, 4minute, T-ara, f(x), Secret, Miss A, Apink, Girl's Day, SISTAR

Thần tượng K-pop thế hệ 2 TVXQ

Sự chuyển đổi từ Thế hệ 1 sang Thế hệ 2 là rất rõ ràng. Điều này là do hầu hết các thần tượng đại diện của thế hệ đầu tiên đã tan rã vào đầu những năm 2000 sau một thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi. Sau đó, TVXQ, một nhóm nhạc thần tượng nam gồm 5 thành viên thuộc SM Entertainment đã ra mắt và mở ra thế hệ thần tượng thứ 2.

3 giám đốc của 3 công ty giải trí SM,YG,JYP

Ngay sau đó, Super Junior và SS501 cũng ra mắt vào năm 2005, Big Bang ra mắt năm 2006, Girls' Generation, Wonder Girls và Kara ra mắt vào năm 2007. Các thần tượng thế hệ thứ 2 ngày càng trở nên nổi tiếng. Và cũng kể từ lúc này, ba công ty giải trí lớn nhất là SM, YG và JYP cũng được biết đến rộng rãi.

Thần tượng K-pop thế hệ 2

Ngoài ra, thời kỳ idol thế hệ thứ 2 là thời kỳ thị trường thần tượng Hàn Quốc phát triển vượt bậc, đồng thời, các thần tượng không chỉ nổi tiếng trong fandom mà còn trong lòng công chúng.

Ví dụ, khi teaser MV 'Oh!' năm 2010 của Girls' Generation được phát hành độc quyền trên Naver, cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc, đã khiến máy chủ của Naver bị tê liệt!

fandom của Thần tượng K-pop thế hệ 2

Nguồn: Edaily

Và khi số lượng người sinh sau năm 1990 trong fandom thích những thần tượng thế hệ thứ 2 này tăng lên, văn hóa fandom đã có sự thay đổi mạnh mẽ do họ đã quen thuộc với internet và sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông mạng xã hội như Twitter và Facebook.

Thần tượng K-pop thế hệ 2

Khi thị trường nhạc số và các dịch vụ phát trực tuyến phát triển, thị trường băng đĩa đã suy giảm rất nhiều. Kể từ thời điểm này, album đã trở thành sản phẩm làm kỷ niệm thay vì để nghe nhạc như ngày xưa, do đó doanh số bán album không cao và người mua chủ yếu là các fandom.

Thần tượng K-pop thế hệ 2 SNSD

Thần tượng thế hệ thứ 2 được chia thành thần tượng album và thần tượng nhạc số. Những thần tượng có fandom lớn nhưng độ nổi tiếng tương đối thấp được gọi là thần tượng album, và thần tượng có fandom tương đối nhỏ nhưng mức độ nổi tiếng cao được gọi là thần tượng nhạc số.

Thông thường, ở Hàn Quốc, các nhóm nhạc nam là thần tượng album, và nhóm nhạc nữ là thần tượng nhạc số. Bất kể họ thuộc nhóm nhạc nào, có vẻ như các thần tượng thế hệ thứ 2 được người dân Hàn Quốc rất yêu thích.

fandom mang máy ảnh đại bác đi chụp ảnh Thần tượng K-pop thế hệ 2

Thời kỳ này cũng xuất hiện những fan hâm mộ cầm máy ảnh to như 'đại bác' đi chụp ảnh thần tượng. Nhất là khi SM cho ra mắt nhóm nhạc SHINee, các fan của SHINee muốn có những bước ảnh chất lượng cao nhất nên đã không ngại đầu tư và phổ biến hóa văn hoa cầm 'đại bác' đi săn ảnh thần tượng.

Thần tượng K-pop thế hệ 2

Đã có nhiều fan tự chụp ảnh thần tượng nhưng chất lượng ảnh siêu chất, chỉnh sửa đẹp rồi chia sẻ trên mạng. Bằng cách này, văn hóa fandom thần tượng thế hệ thứ 2 đã phát triển thành một hình thức nhiều màu sắc hơn trước.


Thần tượng K-pop thế hệ 3

Thần tượng K-pop thế hệ 3 BTS, Blackpink

Giai đoạn: 2013-2019

Nghệ sĩ đại diện:

  • Các nhóm nhạc thần tượng nam: BTS, EXO, SEVENTEEN, NU'EST, VIXX, GOT7, WINNER, iKON, MONSTA X, NCT
  • Các nhóm nhạc thần tượng nữ: Blackpink, Twice, Red Velvet, AOA, EXID, Mamamoo, Lovelyz, GFRIEND, Oh My Girl, WJSN

Thần tượng K-pop thế hệ 3 EXO

Khi thời kỳ thần tượng thế hệ thứ 2 ngày càng dài ra và người ta nói rằng sự phân chia thế hệ thần tượng là vô nghĩa, thì vào năm 2013, EXO đã tạo nên một cú hit lớn mở ra kỷ nguyên thần tượng thế hệ 3.

Không có sự phân biệt rõ ràng như giữa thế hệ 1 và 2 do các thần tượng thế hệ 2 cũng hoạt động tích cực trong thời gian này. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa thế hệ 2 và 3 là rất đáng kể.

Thần tượng K-pop thế hệ 3

Đặc điểm lớn nhất của thần tượng thế hệ 3 là nội dung đa dạng. Thần tượng thế hệ 2 nổi tiếng kéo theo văn hóa thần tượng trở nên phổ biến và được công chúng đón nhận, do đó có rất nhiều chương trình truyền hình mời các thần tượng tham dự. Tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở các chương trình TV và radio.

Thần tượng K-pop thế hệ 3

Tuy nhiên, từ thế hệ 3, nội dung do công ty sản xuất, chẳng hạn như YouTube và ứng dụng Naver V, dẫn đầu thị trường thần tượng. Sự hồi sinh của các phương tiện truyền thông mới đã có tác động lớn đến thị trường thần tượng.

các platform trực tuyến giao tiếp của Thần tượng K-pop thế hệ 3 với fandom

Ngoài ra, một đặc điểm khác của thần tượng thế hệ 3 là thị trường album đã phát triển rất mạnh. Đây được gọi là lạm phát album. Sau TVXQ phá kỷ lục 100,000 bản album được bán ra trong tuần đầu tiên vào năm 2008, EXO đã bán được 100,000 bản trong tuần đầu tiên vào năm 2013 và trở thành chủ đề hot trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay có tới 13 nhóm nhạc thần tượng và 3 nghệ sĩ solo giữ kỷ lục bán được hơn 300,000 album trong tuần quảng bá đầu tiên. Còn riêng với nhóm nhạc BTS, mỗi lần phát hành album, họ không chỉ bán được 1 triệu bản mà còn có thể là 2 triệu và 3 triệu bản.

Thần tượng K-pop thế hệ 3 Twice

Sau khi thế hệ 2 sử dụng doanh số bán album ở tuần đầu tiên để khẳng định quy mô fandom, các công ty quản lý đã tiến hành các chương trình khuyến mãi khác nhau để tăng doanh số bán album trong tuần đầu tiên.

Nhiều poster hay bưu thiếp được bán cùng album, hoặc tổ chức các sự kiện ký tặng album cho người hâm mộ ở tuần quảng bá đầu tiên,v.v... Chính vì vậy mà các fan cũng mua nhiều album hơn trước.

Thần tượng K-pop thế hệ 3

Đặc điểm lớn nhất của fandom thần tượng thế hệ 3 là mức độ tham gia cao. Trước đây, mối quan hệ giữa thần tượng và fandom được phân chia rõ ràng thành mối quan hệ giữa người sáng tạo và người tiêu dùng, nhưng từ thần tượng thế hệ 3, mình có cảm giác như fandom và thần tượng đang cùng tạo dựng sự nghiệp với nhau!

Thần tượng K-pop thế hệ 3

Khi thần tượng comeback, người hâm mộ bắt đầu hành động tập thể vì thành công của họ. Nó được gọi là cuộc 'tổng tấn công'.

Các fan nỗ lực không ngừng để nâng cao thành tích cho các thần tượng như việc tích cực mua album, nghe nhạc số, bỏ phiếu bình chọn,... Khi một số fan tự nguyện đứng ra kêu gọi thì số còn lại trong fandom sẽ tích cực làm theo. Sau khi nhận gây quỹ, số tiền sẽ được dùng vào việc hỗ trợ tích cực vì sự phát triển của thần tượng. Phương pháp này rất có hệ thống và có tổ chức!


Thần tượng K-pop thế hệ 4

Thần tượng K-pop thế hệ 4

Giai đoạn: 2019 đến nay

Nghệ sĩ đại diện:

  • Các nhóm nhạc thần tượng nam: TXT, Treasure, ENHYPEN, Stray Kids, ATEEZ, The Boyz, Verivery, v.v.
  • Các nhóm nhạc thần tượng nữ: ITZY, Aespa, (G) I-DLE, STAY C, NiziU, Everglow, v.v.

Thần tượng K-pop thế hệ 4 Treasure

Thần tượng thế hệ 4 được ra mắt từ các công ty quản lý đã tạo nên thành công cho thần tượng thế hệ 3 hoặc từ các chương trình thử giọng như Produce 101.

Tất nhiên, có ý kiến cho rằng thế hệ 4 vẫn chưa đến, vì những thần tượng đại diện cho thế hệ 3 vẫn đứng đầu trên các đấu trường âm nhạc. Tuy nhiên, khi thị trường thần tượng đã quá bão hòa, việc chuyển giao thế hệ thần tượng bằng cách thay đổi vị trí đứng đầu là rất khó.

Thần tượng K-pop thế hệ 4 Stay C

Các thần tượng thế hệ 4 thường hướng đến mục tiêu thị trường toàn cầu do nhận sự ảnh hưởng từ các nhóm nhạc toàn cầu như BTS và Blackpink. Trước đây, các nhóm nhạc thần tượng thường phải thành công và có vị trí nhất định ở thị trường trong nước rồi mới hướng đến nước ngoài, thì giờ đây thế hệ thứ 4 cố gắng trở thành một nhóm nhạc toàn cầu ngay từ lần đầu ra mắt.

Thần tượng K-pop thế hệ 4

Nguồn: getggul

Đặc điểm lớn nhất của fandom thần tượng thế hệ 4 là tương tác và giao tiếp trên nền tảng online. Với việc tạo ra nhiều nền tảng trên di động khác nhau như Lysn, Weverse và UNIVERSE, thần tượng và các fandom có thể giao tiếp trực tiếp với nhau hơn.

Trước đây, giao tiếp trên SNS đã tồn tại, nhưng giao tiếp trên các platform này đã khiến các thần tượng và các fandom càng trở nên thân thiết và gắn bó hơn.

Thần tượng K-pop

Trên đây là phân tích của chúng mình về đặc điểm và lịch sử hơn 20 năm của thần tượng K-pop thế hệ 1~4 và sự thay đổi văn hóa của các fandom.

Bạn thấy bài viết của chúng mình thế nào?

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

Instagram: creatrip.vn

Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc