logo

Kỳ tích sông Hàn: Đòn bẩy cho nền kinh tế Hàn Quốc hoá rồng, phát triển vượt bậc!

Hàn Quốc đã vực dậy nền kinh tế như thế nào sau khi bị chiến tranh tàn phá tan hoang?

Trang Pham
2 years ago

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!

Chắc hẳn các bạn đều nghe qua cụm từ 'Kỳ tích sông Hàn' rồi đúng không? Từ một quốc gia nghèo đói bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ngày nay Hàn Quốc đã trở thành cường quốc có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Hôm nay, cùng chúng mình tìm hiểu về bối cảnh và thành tựu mang tên ‘Kỳ tích sông Hàn’ này nha!


Bối cảnh hình thành ‘Kỳ tích sông Hàn’

Hình ảnh Hàn Quốc trước và sau Kỳ tích sông Hàn

‘Kỳ tích sông Hàn’ (한강의 기적) bắt nguồn từ cụm từ ‘Kỳ tích của sông Rhine’. ‘Kỳ tích của sông Rhine’ chỉ việc Tây Đức phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến II. Nội các Hàn Quốc lúc bấy giờ sử dụng cụm từ ‘Kỳ tích sông Hàn’ để nhấn mạnh sự phục hồi thần kỳ của đất nước sau chiến tranh. Và Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, một trong bốn 'con rồng' kinh tế châu Á đầu thập niên 1990.

Hàn Quốc thời Nhật chiếm đóng

Nguồn: Pinterest

Trong thời gian bị Đế quốc Nhật chiếm đóng (1930-1940), kinh tế Hàn Quốc sa sút nhanh chóng. Năm 1945, quân Nhật đầu hàng đồng minh, bán đảo Hàn Quốc được giải phóng và bị tách thành hai miền Bắc – Nam. Miền Bắc chịu sự quản lý của Liên Xô. Trong khi đó, miền Nam thì bị Mỹ kiểm soát.

Nội chiến tàn phá Hàn Quốc tan hoang

Nguồn: New York Times

Chiến tranh Nam – Bắc (1950-1953) một lần nữa phá hủy nền kinh tế Hàn Quốc. Hàn Quốc mất một phần tư tài sản quốc gia. Sản xuất công nghiệp đã giảm xuống dưới một nửa. Thành phố Seoul bị phá hủy nghiêm trọng với khoảng 30% ngôi nhà, 70% nhà máy và các tòa nhà thương mại, công trình công cộng. 

Theo Cục Thống kê Bộ Nội vụ thời điểm đó, thiệt hại do chiến tranh gây ra là 410 tỷ đô la. Tất cả những người giàu thời điểm đó đều bị phá sản. Hàn Quốc giai đoạn những năm 1950-1960 được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Tổng thống Park Chung-hee người khởi xướng phát triển Hàn Quốc tạo nên Kỳ tích sông Hàn

Năm 1961, tướng Park Chung-hee trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Với tư tưởng biến Hàn Quốc thành một quốc gia hùng mạnh, ông bắt tay vào thúc đẩy kinh tế. Hàn Quốc tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn – chaebol (재벌). 

Tháng 1 năm 1962, Chính phủ công bố kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế lần đầu giai đoạn 1962-1966. Kế hoạch tham khảo từ chính phủ Rhee Syngman soạn thảo vào năm 1958. Đây được xem là một trong những nền móng cho sự ra đời của 'Kỳ tích sông Hàn'.


Thành tựu của ‘Kỳ tích sông Hàn’

1. Kinh tế

Ảnh Seoul chụp từ trên cao trước khi Kỳ tích sông Hàn xảy ra

Kỳ tích sông Hàn tạo nên một Hàn Quốc phát triển với những tòa nhà cao tầng hiện đại, đường xá rộng thoáng

Dưới chính quyền của Park, Hàn Quốc nhanh chóng phục hồi kinh tế thành công nhờ vào những chính sách khắc khổ do ông áp dụng. Park Chung Hee đề ra 'Kế hoạch Phát triển Kinh tế 5 năm' nhằm thúc đẩy phát triển tài nguyên quốc gia để biến Hàn Quốc thành một nước công nghiệp tự cung tự chủ. Điều này đã giúp người dân Nam Hàn có động lực để tiến tới những thành công kinh tế sau này.

Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu ngay từ những năm 1960.

GDP Hàn Quốc cho thấy thành tựu của Kỳ tích sông Hàn

Nguồn: Korea.net

Sản lượng xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng từ 32,82 triệu đô la vào năm 1960 lên 10 tỷ đô la vào năm 1977 và tiếp tục tăng mạnh lên 60,49 tỷ đô la vào năm 2018. Vào thời điểm thành lập chính phủ năm 1953, thu nhập bình quân đầu người là 67usd, nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng lên tới 31,349usd.

Người Hàn góp vàng giúp đất nước trả nợ xấu năm 1997

Vào tháng 11 năm 1997, khủng hoảng tiền tệ bùng phát khiến Hàn Quốc phải xin viện trợ của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF). Hàn Quốc đã mạnh dạn loại bỏ các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán và thực hiện tái cơ cấu. 

Trong quá trình này, 3,5 triệu người dân đã quyên góp 227 tấn vàng dự trự tại nhà để giúp chính phủ hoàn trả ngoại tệ đã vay từ IMF. Với tinh thần dân tộc cao, người dân đã cùng đồng lòng giúp chính phủ vượt qua khó khăn.

Tòa nhà Samsung một tập đoàn Chaebol Hàn Quốc

Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn chiếm gần 66% GNP. Samsung và Huyndai lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. 

Cuối năm 2011, GDP của một người Hàn cao hơn cả mức trung bình của EU. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 11 trên thế giới. Và dẫn đầu về các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn.


2. Văn hóa

Làn sóng Hallyu là thành tựu văn hóa của Kỳ tích sông Hàn

Hàn Quốc đã thực sự biến văn hóa thành thứ 'quyền lực mềm' chinh phục thế giới. Đặc biệt, Hàn Quốc đã đưa văn hóa trở thành vấn đề trọng đại trong chiến lược phát triển quốc gia bằng các chiến lược đúng đắn như: 'Kế hoạch mới về phát triển văn hóa', 'Kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa', 'Tầm nhìn văn hóa năm 2000', 'Chiến lược Cool Korea'…

Làn sóng Hallyu là thành tựu văn hóa của Kỳ tích sông Hàn

Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật... đã thâm nhập sâu rộng vào nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, 'Làn sóng Hallyu' thông qua âm nhạc đại chúng (K-pop) và các bộ phim truyền hình có sức lan tỏa mạnh mẽ dần trở thành trào lưu nổi tiếng khắp châu Á.

Văn hóa ẩm thực Hàn Quốc được quảng bá rộng rãi trên thế giới

Cùng với làn sóng hallyu, Hàn Quốc đang lan tỏa mạnh mẽ văn hóa ẩm thực. Những món ăn bình dân trở nên nổi tiếng khắp thế giới như kimchi, kimbab, tteokbokki,…

Hiện nay, Hàn Quốc là một trong top 10 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu văn hóa. 


3. Xã hội

Ảnh olympic 1988, cơ hội giúp Hàn Quốc quảng bá hình ảnh ra thế giới

Qua hai kỳ Olympic năm 1986 và 1988, Seoul đã đẩy mạnh các hoạt động nằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh ra thế giới. Việc xây dựng một sân bay quốc tế mới và sự xuất hiện của các trung tâm hội nghị phản ánh sự phát triển thành một đô thị toàn cầu của Seoul.

Thành phố Seoul phát triển với những nhà cao tầng bên sông Hàn

Chính phủ bắt đầu dự án làm sạch nước ô nhiễm sông Hàn. Các bờ sông tự nhiên được thay thế bằng khối bê tông và đường ống thoát nước được đặt dọc theo hai bên sông để lọc ra chất ô nhiễm nguy hiểm.

Một đường cao tốc được xây dọc theo bờ sông để nối sân bay Kimpo đến trung tâm thành phố và sân vận động Olympic. Đường tàu điện ngầm cũng được mở rộng. Các tuyến số 2, số 3 và số 4 tạo thành một chữ X đi khắp trung tâm Seoul.

Bản đồ tàu điện ngầm dày đặc Seoul, cho thấy sự phát triển của thành phố từ Kỳ tích sông Hàn

Trong thập niên 80 thế kỷ trước, chính phủ thúc đẩy dự án tái phát triển và đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt Seoul. Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, chính phủ khởi động các dự án nhà ở khổng lồ được xây dựng tại các khu Mok-dong, Kodok-dong, Kaepo-dong và Sanggye-dong.

Thành phố Ilsan Hàn Quốc

Năm 1989, chính phủ Hàn Quốc xây dựng năm thành phố vệ tinh là Ilsan, Pundang, Sanbon, Pyongchon và Chungdong để giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở Seoul. Seoul không còn là một thành phố độc lập, mà là trung tâm của vùng mở rộng đô thị hơn 20 triệu người.

Các nhà hoạch định chính sách triển khai cải thiện hình ảnh thành phố. Các khu ổ chuột được quy hoạch, cải tổ lại. Các khu căn hộ đồng loạt mọc lên. Những cây cầu lớn được xây dựng để kết nối khu vực phía nam và phía bắc Seoul.

Seoul Hàn Quốc phát triển từ Kỳ tích sông Hàn

Trên đây, chúng mình đã tổng hợp về bối cảnh và thành tựu mang tên 'Kỳ tích sông Hàn', một đòn bẩy giúp Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Mình nghĩ lòng tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết toàn dân và người lãnh đạo tài ba là những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công đó!

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

 Instagram: creatrip.vn 

 Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc

Bài Viết Nổi Bật

Bài Viết Nổi Bật