logo
logo
DEPRECATED_CloseIcon

Obangsaek và trắng: những sắc màu truyền thống đầy ý nghĩa của Hàn Quốc

Màu sắc truyền thống của Hàn Quốc hiện hữu trong văn hoá, ẩm thực, thời trang của Hàn Quốc

HannaVu
3 years ago
Obangsaek và trắng: những sắc màu truyền thống đầy ý nghĩa của Hàn Quốc-thumbnail
Obangsaek và trắng: những sắc màu truyền thống đầy ý nghĩa của Hàn Quốc-thumbnail

Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!

Mỗi quốc gia luôn có những màu sắc với ý nghĩa đặc biệt mang đậm tư tưởng văn hoá và niềm tin của con người ở quốc gia đó. Hàn Quốc cũng vậy!

Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến bạn những màu sắc truyền thống của xứ sở Kim chi nha!


Hàn Quốc - dân tộc áo trắng

Nguồn: chosun

Từ xưa đến nay người Hàn vẫn luôn yêu thích và tôn sùng màu trắng. Do đó, màu trắng xuất hiện rất nhiều trong truyền thuyết và các câu chuyện thời xa xưa ở Hàn Quốc.

Với người Hàn Quốc, màu trắng là màu cơ bản nhất, tượng trưng cho sự khởi đầu, nguồn gốc và nền tảng của nhân loại. Ngoài ra màu trắng còn đại diện cho ánh sáng, sự sạch sẽ, tinh khiết, khiêm tốn.

suzy, han ji won mặc hanbok trắng

Nếu như người Việt Nam thường xem màu trắng là màu tang, mang không khí không mấy may mắn thì người Hàn từ xưa đã rất chuộng màu trắng. Họ dùng màu trắng trong gốm sứ và cả quần áo. Họ yêu màu trắng đến mức họ được gọi là “dân tộc áo trắng (백의민족)”.


Obangsaek – Phổ màu truyền thống của Hàn Quốc


Obangsaek – Phổ màu truyền thống của Hàn

Nguồn: gsinews

Ngoài trắng thì màu truyền thống của Hàn còn có 5 màu gọi là Obangsaek (오방색) gồm trắng, đen, xanh lam, vàng và đỏ.

Trong nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc và các mẫu dệt truyền thống, màu sắc của Obangsaek đại diện cho năm hướng chính:

  • Xanh lam: Đông
  • Đỏ: Nam
  • Vàng: Trung tâm
  • Trắng: Tây
  • Đen: Bắc

Những màu này cũng gắn liền với ngũ hành của văn hóa truyền thống Hàn Quốc trong đó các màu sắc tượng trưng cho:

  • Xanh lam: Mộc
  • Đỏ: Hoả
  • Vàng: Thổ
  • Trắng: Kim
  • Đen: Thuỷ

Sự pha trộn của 5 màu này sẽ ra các màu khác gọi là Obanggansaek (오방간색).


1. Màu trắng trong quan niệm của người Hàn

học giả hàn quốc mặc trang phục trắng

Nguồn: chosun

Trong Obangsaek, trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, ngây thơ, chính trực, ôn hoà. Màu trắng từ lâu đã biểu thị cho sự trong sạch, trạng thái tâm trí không tham lam, không bị vấy bẩn.

Khái niệm không màu sắc đã gắn liền với người dân Hàn Quốc từ thời cổ đại cho đến tận thời hiện đại. Sứ trắng toát lên vẻ đẹp của sự thuần khiết, đại diện cho sự chính trực và liêm khiết của các học giả trong triều đại Joseon.

2. Màu đen trong quan niệm của người Hàn

trang phục đen thời xưa của hàn quốc

Nguồn: National Folk Museum of Korea

Màu đen tượng trưng cho bóng tối, cái chết, sự trang trọng, nhân phẩm, quy tắc.

Tuy màu đen có ý nghĩa tiêu cực như bóng đêm, cái chết, bóng tối,… nhưng màu đen ở mũ và trang phục chính thức của Vương triều Joseon lại đại diện cho ‘sự trang trọng' và ‘nhân phẩm’. Thông qua trang phục chính thức màu đen, đồng phục học sinh được đơn giản hóa và những trang phục khác được mặc sau khi Nhật Bản chiếm đóng, nó cũng biểu thị cho 'thể chế' và 'quy tắc.'

Còn trong thời hiện đại, màu đen lại được ưa chuộng vì nó hiện sự 'độc quyền' và 'sang trọng', khác với ý nghĩa ảm đạm và buồn tẻ của quá khứ.

3. Màu đỏ trong quan niệm của người Hàn

cháo đậu đỏ hàn quốc

Trong quan niệm của người Hàn, màu đỏ đại diện cho quyền lực, trừ tà, mưu cầu hạnh phúc.

Từ lâu, người ta luôn tin màu đỏ có sức mạnh xua đuổi tà ma hoặc những điều xui xẻo. Người xưa tự bảo vệ mình khỏi năng lượng xấu bằng cách viết bùa hộ mệnh bằng mực đỏ, nhuộm móng tay bằng lá balsam, hoặc ăn đậu đỏ vào ngày Đông chí. Vì ngày Đông chí có đêm dài nhất trong năm nên họ tin rằng ăn cháo đậu đỏ vào ngày này có thể xua đuổi ma quỷ.

highlight xem worldcup hàn quốc 2002

Nguồn: koreaherald

Vào World Cup 2002, ở Hàn màu đỏ đã trở thành biểu tượng của niềm đam mê và là màu thúc đẩy sự gắn kết xã hội.

Tuy nhiên có 1 điều cấm kị là người Hàn không bao giờ viết tên bằng màu đỏ vì họ cho rằng nếu viết tên bằng màu đỏ, người bị viết tên sẽ “không qua khỏi”.

4. Màu xanh lam trong quan niệm của người Hàn

park bo gum mặc hanbok màu xanh

Màu xanh lam tượng trưng cho mùa xuân, tuổi trẻ, hy vọng, điều không tưởng.

Trong triết học Đông Á, màu xanh lam tượng trưng cho sự không tưởng. Các màu sắc khác nhau của núi, biển và bầu trời, từ xanh lam nhạt, xanh lục, đến xanh nước biển, được coi là thuộc về một màu biểu thị cho 'sự sống' và 'hy vọng.'

Tuy trong văn hóa phương Tây, màu xanh lam có liên quan đến 'the blues' theo nghĩa tiêu cực nhưng ở Hàn nó đã trở thành màu của hy vọng, của sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ.


5. Màu vàng trong quan niệm của người Hàn

cây ngả vàng ở hoàng cung hàn quốc

Màu cuối cùng trong Obangsaek là màu vàng, tượng trưng cho sự thánh thiện, sự giàu có, quyền uy, khả năng sinh sản.

Màu vàng là màu chính được sử dụng bởi Hoàng đế, Vua gắn liền với sự cao quý, phẩm giá và sự thánh thiện. Nó là màu trung tâm của Obangsaek, biểu thị cho đất đai và sự màu mỡ.

Trong thời hiện đại, ở Hàn, màu vàng thường được sử dụng cho trẻ em vì hình ảnh tươi sáng mà nó mang lại. Tuy nhiên nó cũng là màu cảnh báo ám chỉ nguy hiểm, thường được dùng trên các biển báo.


Cách sử dụng màu sắc trong trang phục của người Hàn

trang phục trắng của học giả hàn quốc ngày xưa

Nguồn: National Folk Museum of Korea

Trong thời Joseon, các học giả theo Khổng Tử đã mặc áo choàng trắng có trang trí đen để thể hiện một cách trực quan và tôn vinh chủ nghĩa khổ hạnh của học giả.

Màu trắng trong trang phục của các học giả tượng trưng cho sự tinh khiết, trí thức. Màu đen và trắng kết hợp với nhau tượng trưng cho sự hài hoà âm dương và sự yên tĩnh, thanh bình, không vướng tục trần.

Cũng trong thời kỳ Joseon, ở các lễ hội, đám cưới, nghi lễ, mọi người thường mặc các màu sắc tươi sáng như đỏ, vàng và xanh lam. Những màu sắc này giúp thể hiện tâm trạng phấn khởi, bầu không khí vui tươi.

trang phục cô dâu chú rể truyền thống của hàn

Nguồn: chosun, kook-hyang

Trong đám cưới, cô dâu và chú rể được phép sử dụng những màu sắc tươi sáng và rực rỡ. Cụ thể, cô dâu mặc áo wonsam (원삼) màu xanh lá cây (áo choàng nghi lễ), bên ngoài chiếc váy màu đỏ. Chú rể thì mặc áo dallyeong (단령) màu xanh lam hoặc xanh lá cây. Cặp đôi cũng thường được mặc quần áo bên trong màu vàng.

quốc kì hàn quốc

Ngoài ra ở Quốc kỳ của Hàn cũng có màu đỏ và xanh lam tương trưng cho sự cân bằng Âm và Dương.

đồ trẻ em màu hồng

Ở thời hiện đại, ở Hàn Quốc cũng như nhiều nước khác, màu quần áo của bé gái thường là hồng còn quần áo của bé trai thường là xanh nhạt.

thầm phán hàn quốc mặc trang phục màu đen đang trao đổi với nhau

Màu đen được dùng để làm trang phục cho thẩm phán để biểu thị cho sức mạnh, phẩm giá và uy quyền. Đến năm 1998, một vài thay đổi về thiết kế đã được thực hiện, tô điểm bằng những chi tiết màu tím để nhấn mạnh vẻ đẹp truyền thống của Hàn Quốc.

Trước đây những mùa như be, xám, nâu… được cho là màu “không sạch” nhưng với sự thay đổi của thời đại thì ngày nay người Hàn rất chuộng những màu này. Nó mang đến cảm giác nhẹ nhàng và hiện đại.

Trên đây là thông tin về màu sắc truyền thống của Hàn Quốc và ý nghĩa của nó. Bạn cũng có thể tham khảo thêm về những trend thời trang mới của Hàn Quốc nha!

Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!

Instagram: creatrip.vn

Fb: Creatrip: Tổng hợp thông tin Hàn Quốc