Những câu chuyện có thật gây sốc ở Hàn Quốc đằng sau bộ phim truyền hình Tài xế taxi
Bạn có biết rằng cốt truyện của bộ phim Tài xế taxi dựa trên các sự kiện có thật ở Hàn Quốc không?
Xin chào! Chúng mình là Creatrip! Cùng khám phá Hàn Quốc với chúng mình nhé!
Với sự tham gia của Lee Je-hoon, Kim Eui-sung và Pyo Ye-jin, và dựa trên webtoon cùng tên, bộ phim Tài xế taxi (Taxi Driver) kể về công ty taxi Cầu vồng.
Tuy nhiên, đây không phải là một hãng taxi thông thường mà là công ty hoạt động ngầm giúp khách hàng của mình trả thù bằng cách dùng bạo lực chống lại bạo lực.
Bộ phim đã nhận được sự chú ý vì đề cập đến các sự kiện và tội ác có thật xảy ra ở Hàn Quốc. Hãy cùng điểm qua những sự kiện làm nền cốt truyện của Tài xế taxi nha!
Vụ án Cho Doo-soon
Ở phần đầu của Tài xế taxi (Taxi Driver), chúng ta được thấy cảnh một kẻ phạm tội tình dục được ra tù. Tuyên bố kiệt quệ về tinh thần, người đàn ông đã thành công trong việc giảm án tù chung thân.
Cốt truyện này tương tự như vụ Cho Doo-soon, một sự kiện khiến người dân Hàn Quốc bị sốc và tức giận. Năm 2008, một người đàn ông tên Cho Doo-soon đã tấn công tình dục và làm một bé gái 8 tuổi bị thương. Nạn nhân của vụ tấn công bị tổn thương nghiêm trọng đến mức một số bộ phận trên cơ thể đã không còn lành lặn.
Mặc dù tính mạng của cô bé đã được cứu sau khi được đưa đến bệnh viện nhưng những vết thương đi cùng cô suốt cuộc đời.
Trong phiên tòa xét xử, Cho Doo-soon khai rằng ông ta đã say rượu trong khi thực hiện hành vi này nên đã mất khả năng phân xử đúng sai. Rõ ràng, các thẩm phán không thể làm được gì và ông ta chỉ bị tuyên mức án nhẹ 12 năm tù. Ông này ra tù vào ngày 12 tháng 12 năm 2020.
Trong Taxi Driver, chúng ta có thể thấy cảnh kẻ tội phạm tình dục ngạo mạn lên một chiếc taxi và biến mất.
Khi Cho Doo-soon được ra tù vào năm ngoái, ông ta đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào mà chỉ chắp tay sau lưng và cúi chào trước giới truyền thông đang tụ tập đưa tin.
Điều này khiến nhiều người Hàn Quốc tức giận, họ cho rằng hành vi của ông ta là ngạo mạn, không thể hiện ý chí hối cải thực sự.
Trong cuộc sống thực, không có ai bắt cóc Cho Doo ngay sau khi ông ta ra tù. Tuy nhiên, đông đảo khán giả Hàn Quốc thấy sảng khoái khi nhân vật hư cấu bị trừng phạt trong phim Tài xế taxi (Taxi Driver).
Trang trại muối trên Đảo Tím
Một cốt truyện khác trong bộ phim dựa trên sự kiện diễn ra trên Đảo Tím ở tỉnh Jeolla.
Trong phim, những người khuyết tật bị buôn bán và buộc phải làm việc trong một nhà máy sản xuất hải sản muối. Họ đang phải chịu những giờ làm việc tàn nhẫn, bạo lực, cũng như bị chủ lao động biển thủ tài sản riêng.
Khi một nữ công nhân khó khăn lắm mới chạy thoát được thì cô ấy lại bị một cảnh sát đưa trở lại nhà máy. Thì ra anh ta thông đồng với chủ xí nghiệp.
Cốt truyện này giống với những sự kiện có thật diễn ra cách đây không lâu ở Hàn Quốc.
Vào năm 2008 và 2012, hai người đàn ông khuyết tật tên Chae và Kim đã bị lừa bởi một cơ quan việc làm không đăng ký, và họ bị bán cho các trang trại muối trên Đảo Tím.
Các công nhân trong trang trại không được ngủ quá 5 giờ, bị bắt làm những công việc nặng nhọc như làm muối và xây dựng. Hai người đàn ông đã cố gắng trốn thoát nhiều lần nhưng không thành công, thậm chí còn bị dọa đánh chết nếu họ cố gắng bỏ chạy một lần nữa.
Nơi những người đàn ông bị cưỡng bức làm việc là một khu vực nông thôn, và nhiều người dân địa phương và thậm chí cả cảnh sát đã làm ngơ trước sự việc này.
Trớ trêu thay, đồn cảnh sát địa phương gần đó lại được khen ngợi vì sự phục vụ xuất sắc của họ cách đây không lâu, nhưng sau đó, sự việc được đưa ra ánh sáng rằng những công nhân cố gắng trốn thoát đã bị cảnh sát đồn đuổi trở lại trang trại một lần nữa.
Điều kiện làm việc khủng khiếp tại các trang trại đã được phơi bày vào năm 2014. Phó thị trưởng và các thành viên quốc hội địa phương này đã bị bắt vì tội bóc lột sức lao động và không trả đủ thù lao cho người lao động.
Công chúng đã phẫn nộ khi phát hiện ra rằng không phải lúc nào cũng có thể tin rằng những cán bộ địa phương và cảnh sát sẽ bảo vệ những người yếu thế trong xã hội.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cuối cùng đã quyết định mở rộng cuộc điều tra. Tất cả các trang trại muối và cơ sở cho người tàn tật trên khắp Hàn Quốc đã bị điều tra. Họ phát hiện ra rằng có ít nhất 100 công nhân, nhiều người trong số họ bị tàn tật, không được trả lương xứng đáng, và nhiều người khác bị mất tích hoặc không xác định được danh tính.
Vấn nạn bắt nạt tại trường học
Một chủ đề khác trong Tài xế taxi (Taxi Driver) là bắt nạt, cả trong trường học và nơi làm việc. Bộ phim kể về câu chuyện của những người bị dày vò đến mức mất đi ý chí sống.
Một học sinh trung học bị các bạn cùng lớp coi thường và bắt nạt vì anh ta xuất thân từ một gia đình nghèo. Trong phim Tài xế Taxi (Taxi Driver), cậu học sinh là nạn nhân đã nhận được sự giúp đỡ từ Công ty taxi Cầu vồng để trả thù, do đó đã phần nào lấy lại được công lý.
Nhưng ngoài đời thực ở Hàn Quốc những người bị bắt nạt sẽ ra sao? Có bao nhiêu người kết thúc cuộc sống của họ vì không có ai giúp?
Trên thực tế, tự tử chiếm 22,1% số ca tử vong ở thanh thiếu niên ở Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là trong số những người chết trẻ thì 1/5 chọn cách tự sát.
Điều này khiến chúng ta tự hỏi những thanh thiếu niên này đã phải chịu đựng điều khủng khiếp gì mỗi ngày đến nỗi họ phải lựa chọn con đường cực đoan như vậy?
Vai nữ hacker Ahn Ye-Jin trong Tài xế taxi (Taxi Driver) do Pyo Ye-jin thủ vai. Tuy nhiên, thành viên của April, Lee Na-eun ban đầu đã được chọn để đóng vai này. Tuy nhiên, Lee Na-eun đã phải rút khỏi bộ phim sau khi bị nghi ngờ rằng cô đã tham gia vào các vụ bắt nạt học đường.
Lạm dụng chức quyền và bạo lực tại nơi làm việc
* Video clip dưới đây có thể gây khó chịu
Một câu chuyện khác trong Tài xế taxi đã đề cập đến vấn đề bạo lực tại nơi làm việc, nhân viên bị chính sếp của họ bạo hành.
Nguồn: Yonhap
Không nghi ngờ gì nữa, cốt chuyện này dựa trên hành vi thái quá của chủ tịch WeDisk, Yang Jin-ho.
Vào tháng 10 năm 2018, vụ bạo hành của Yang Jin-ho đối với một nhân viên đã bị phanh phui sau khi một đoạn clip bị rò rỉ. Trong clip, ông ta liên tục tát một nhân viên, thậm chí ra lệnh cho cấp dưới quỳ gối xin lỗi.
Tại một bữa ăn tối của công ty, Yang Jin-ho cũng được cho là đã nhét một nắm tỏi vào miệng một nhân viên và bắt một người khác ăn tương ớt cay. Ông ấy thậm chí còn yêu cầu quản lý đến các tiệm làm tóc để nhuộm tóc của họ theo những màu ông ý thích.
Mặc dù Tài xế taxi (Taxi Driver) phóng đại các sự kiện lên, nhưng chỉ cần biết rằng những trường hợp lạm dụng chức quyền, bắt nạt nơi làm việc vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Tâm lý Hàn Quốc, hơn 1/10 nhân viên văn phòng cho biết họ bị bắt nạt hầu như mỗi ngày. Năm trong số sáu nhân viên nói rằng họ bị lạm dụng ít nhất một lần một tháng.
Một cuộc khảo sát khác từ năm 2017 cho thấy 70% nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc đã từng bị bắt nạt hoặc lạm dụng.
Mặc dù luật nghiêm cấm hành vi bắt nạt tại nơi làm việc đã được thông qua vào năm 2019, nhưng chắc chắn rằng nhiều người vẫn bị lạm dụng và bắt nạt tại nơi làm việc.
Có bao nhiêu người đang đau khổ mỗi ngày mà không nhận được sự giúp đỡ từ Công ty taxi Cầu Vồng?
Cốt truyện về bắt nạt tại nơi làm việc cũng liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục và tống tiền. Điều này rất giống với trường hợp 'Phòng chat thứ N' đã gây ra làn sóng chấn động khắp Hàn Quốc vào năm ngoái.
Trong bài viết này, chúng mình đã tìm hiểu và phân tích những sự kiện có thật được xây dựng thành cốt truyện trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc ăn khách Tài xế taxi (Taxi Driver) của đài SBS.
Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn. Nếu có bất kì câu hỏi gì, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Creatrip qua email help@creatrip.com. Hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau! Theo dõi Creatrip để nhận được những thông tin mới nhất nhé!